Trà là thức uống có lịch sử hơn 1.500 năm về trước. Trà có nhiều tác dụng với sức khoẻ, đặc biệt đó là quá trình duy trì cân nặng của cơ thể. Tuy nhiên, không nên uống trà ngay sau khi ăn cơm, vì sao?
Có rất nhiều nghiên cứu về lợi ích từ trà xanh (Camellia Sinensis L.), hai nhóm chiết xuất thường được nghiên cứu là: catechin và caffeine.
Catechin gồm: epicatechin, epicatechin gallate (ECG), epigallocatechin gallate (EGCG). Sự kết hợp của caffeine và catechin-polyphenols được nghiên cứu là có tác động đến việc duy trì cân nặng phù hợp cho cơ thể. Hai nhóm chất này tác động vào quá trình sinh nhiệt và oxy hoá chất béo.
Sinh nhiệt (thermogenesis) và Oxy hóa chất béo (Fat oxidation). Catechin trong trà xanh ức chế enzyme catechol Omethyltransferase (COMT) hiện diện trong hầu hết các mô, enzyme này làm giảm các hợp chất catecholic tương tự như norepinephrine (NE).
Bản thân norepinephrine (NE) không bị giảm thông qua sự ức chế từ enzyme COMT, từ đó hệ thống thần kinh giao cảm (Sympathetic nerve system – SNS) sẽ được kích thích bởi sự hiện diện của norepinephrine (NE) , tác động vào β-adrenoceptors và làm tăng quá trình thải nhiệt và oxy hóa chất béo.
ThS.BS Phan Ngọc Huy, khoa Thẩm mỹ da bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết việc sử dụng một tách trà buổi sáng giúp tăng sự tập trung và bình tĩnh, thông qua sự tác động của hai nhóm chất trong trà là caffeine và L-theanine. Tuy nhiên, Thạc sĩ Huy cũng chỉ ra những những điều nên và không nên làm khi uống trà xanh.
10 việc cần tránh khi uống trà xanh
Uống trà xanh sau khi ăn cơm: Trà xanh có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn, vì vậy nên tránh việc sử dụng thức uống này sau bữa ăn làm giảm hấp thu một số chất cần thiết cho cơ thể. Hợp chất tanin trong trà xanh làm giảm việc hấp thu sắt (non- heme), catechin (EGCG) thông qua việc gắn kết với các nguyên tố vi lượng (như sắt, đồng và crom) cũng làm giảm khả năng hấp thu của cơ thể.
Một số thử nghiệm cho thấy nên sử dụng trà sau bữa ăn 1 giờ để hạn chế việc giảm hấp thu sắt (non-heme) và các nguyên tố vi lượng.
Uống trà xanh lúc nóng: Nhiệt độ cao không những làm mất vị trà xanh mà còn làm hại đến dạ dày và họng của bạn. Tốt nhất hãy dùng trà xanh ấm.
Uống trà lúc đói: Trà xanh chứa các chất chống oxi hóa mạnh và polyphenols giúp tăng sản xuất axit dạ dày và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Vì vậy, lý tưởng nhất là hãy uống trà xanh giữa các bữa ăn.
Thêm mật ong vào trà xanh: Các chất dinh dưỡng trong mật ong có thể bị phá hủy khi cho vào bình trà xanh đang sôi. Vì vậy, hãy để trà nguội một chút rồi chúng ta có thể thêm chanh, mật ong để trà xanh thêm ngon.
Uống thuốc cùng trà xanh: Điều này có thể gây hại vì các thành phần hóa chất trong thuốc hòa tan với trà xanh tạo nên dung dịch có tính axit. Vì vậy, hãy chỉ nên dùng thuốc với nước thông thường.
Sử dụng quá nhiều: Trà xanh chứa chất caffein. Uống quá nhiều caffein trong ngày có thể gây đau đầu, mệt mỏi, uể oải, lo âu, kích thích. Ngoài ra, lượng lớn trà xanh cũng có thể gây giảm hấp thu sắt trong cơ thể. Vì vậy, chúng ta hãy giới hạn dùng khoảng 2-3 tách trà mỗi ngày.
Ngâm trà xanh quá lâu: Hành động này không giúp tăng lượng dinh dưỡng từ lá trà, mặc khác còn làm vị trà trở nên đắng hơn.
Dùng nhiều hương liệu nhân tạo: Các hãng sản xuất có khuynh hướng thêm nhiều hương liệu để trà xanh trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, tốt nhất hãy sử dụng trà xanh tự nhiên để đạt được lợi ích tối ưu từ món uống này.
Sử dụng nhiều trà cùng lúc: Với suy nghĩ sử dụng cùng lúc hai túi trà xanh sẽ giúp tiêu thụ nhiều năng lượng và giảm cân tốt hơn, nhưng điều đó đồng nghĩ với việc có thể gây rối loạn tiêu hóa và tăng lượng axit trong dạ dày.
Uống trà xanh trước khi ngủ: Caffeine trong trà có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, thông qua tác động đến các thụ thể adenosine – một chất ảnh hưởng đến giấc ngủ, trí nhớ và học tập. Để tránh bị mất ngủ, việc sử dụng trà nên cách xa giấc ngủ đêm khoảng 6 giờ.
Lifehub tổng hợp