“Bão giá” sẽ bớt đáng sợ hơn khi bạn áp dụng những bí kíp này.
Chi phí sinh hoạt, giá xăng dầu tăng… đang là mối lo của người dân tại nhiều đất nước trên thế giới. Dữ liệu do đơn vị nghiên cứu xã hội YouGOv mới công bố cho thấy 84% người Anh lo lắng về những thay đổi đối với chi phí sinh hoạt trong 6 tháng tới. Trong đó, 39% người được hỏi tỏ thái độ “rất lo lắng”.
Về việc giải bài toán chi phí sinh hoạt tăng cao mà hàng triệu người đang đối mặt, Clare Framrose, Giám đốc tiết kiệm tại ngân hàng Atom cho rằng chúng ta có thể áp dụng một số giải pháp để chuẩn bị tài chính tốt hơn cho thời gian tới.
“Ở góc độ cá nhân, đó là việc giảm tối đa chi phí hàng ngày, trở nên hiểu biết hơn về tài chính cũng như tận dụng tối đa các chương trình tiết kiệm sẵn có”, bà cho biết thêm.
Dưới đây là những phương pháp mà bà Clare chia sẻ để giúp giảm thiểu khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng:
Thử thách tiết kiệm
Theo Clare, mọi người thường hào hứng với những thứ có tính kích thích và thử thách. Vì vậy, bạn có thể áp dụng bí kíp này trong việc tiết kiệm.
Để mọi thứ trở nên thú vị, bạn có thể thực hiện nhiều thử thách tiết kiệm khác nhau. Một trong số đó là thử thách chi tiêu làm tròn. Ví dụ, nếu tháng trước bạn tiêu 10,5 triệu đồng, tháng này bạn có thể đặt ra mức chi tiêu mới là 10 triệu đồng. Con số 500.000 đồng là khoản chênh lệch mà bạn tiết kiệm được.
Hoặc bạn có thể thực hiện thử thách tiết kiệm theo ngày, mỗi ngày bỏ lợn một số tiền nhất định cho đến hết năm.
Chăm mặc cả, so sánh giá
Lời khuyên của Clare là hãy nghiên cứu để chọn ra ngân hàng có mức lãi suất gửi tiết kiệm cao và an toàn nhất. Khi đó, số tiền lãi bạn nhận được sẽ cao hơn. “Càng có nhiều tiền lãi, bạn càng có khả năng tiếp tục gửi tiết kiệm số tiền đó. Đây là cách kiếm tiền an toàn”.
Ngoài ra, bạn nên chú ý hơn đến mức giá của các sản phẩm cùng loại. Ví dụ, nếu cửa hàng thực phẩm hay thời trang mà bạn hay mua tăng giá, bạn có thể tìm một nơi khác có mức giá thấp hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Đồng thời, bạn nên nghiên cứu chương trình giảm giá, so sánh giá của các nhà cung ứng dịch vụ Internet, truyền hình để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất và tiết kiệm được nhiều chi phí nhất có thể.
Clare khuyên rằng bạn không nên có suy nghĩ “số tiền nhỏ đó chẳng đáng bao nhiêu” mà không tiết kiệm bởi trong tương lai, nhiều khoản nhỏ có thể tạo thành một khoản đáng kể.
Mở rộng kiến thức về tài chính cá nhân
Theo Clare, đây là công cụ hữu ích giúp bạn nắm được nguồn tiền của mình đi đến những đâu, từ đó, bạn có thể lên phương án để chi tiêu hợp lý hơn.
“Tùy thuộc vào cách bạn muốn tìm hiểu, hiện nay có rất nhiều nguồn có khả năng giúp bạn như blog, khóa học trực tuyến, podcast hay thậm chí là video trên TikTok, YouTube. Hầu hết đều miễn phí. Tuy nhiên, bạn nên chọn những tác giả hoặc người tạo nội dung uy tín để tham khảo”.
Giữ lịch sử tín dụng sạch
Clare cho biết lịch sử tín dụng sạch có thể giúp bạn tiếp cận với lãi suất đi vay thấp hơn hay thậm chí là không phải đặt cọc trong một số hợp đồng nhất định. Trong khi đó, những người có lịch sử tín dụng xấu (vay ngân hàng nhưng trả sai hẹn, không trả đủ…), khi vay ngân hàng sẽ gặp rất nhiều vấn đề.
Việc có lịch sử tín dụng sạch sẽ giúp tiết kiệm một khoản đáng kể nếu bạn vay số tiền khá lớn để mua nhà hay mua xe.
Duy trì sự cân bằng
Việc chi phí sinh hoạt trở thành gánh nặng trong bối cảnh hiện nay làm nhiều người nghĩ đến việc cắt giảm sở thích bản thân như ăn uống ngoài hàng hay đăng ký Netflix, tập gym…
Tuy nhiên, theo Clare, bạn không nhất thiết phải cắt giảm hầu hết. Thay vào đó, hãy lập danh sách những thứ thiết yếu với cuộc sống và những thứ không quá cần thiết để lựa chọn bỏ hay giữ. Bà khuyên rằng mọi người không nên bỏ những sở thích có khả năng đem lại năng lượng tích cực. Nhờ chúng, bạn mới có sức khỏe tinh thần và thể chất để tiếp tục kiếm tiền.
Lifehub tổng hợp