Trong khi dịch Covid-19, sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp thì hiện nay ở nhiều bệnh viện đã và đang ghi nhận bệnh nhân mắc cúm A gia tăng.
Theo thống kê tại BV Thanh Nhàn, Hà Nội, từ đầu mùa hè đến nay, có khoảng 100 trường hợp mắc cúm A phải nhập viện. Ngày cao điểm có tới 30 – 40 bệnh nhân đến khám.
Bệnh nhân mắc cúm A đến khám và điều trị ở BV Thanh Nhàn có độ tuổi từ 15 đến hơn 70, nhiều nhất từ 20 đến 40 tuổi (độ tuổi lao động giao tiếp với nhiều người). Đáng lưu ý trong đó có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, tổn thương phổi phải điều trị dài ngày, thậm chí là bị bội nhiễm phải lọc máu và thở máy.
Bà N.T.H, 56 tuổi ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, chỉ số SPO2 xuống thấp. Kết quả chụp X quang cho thấy tổn thương phổi nặng. Bà phải thở ôxy, truyền nước và kháng sinh.
Trước đó, bà H. có những triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt 38 độ C nhưng chỉ nghĩ là cảm cúm thông thường nên tự ra hiệu thuốc mua thuốc trị ho, giảm sốt về uống nhưng không đỡ. Đến ngày thứ 5, bà H. xuất hiện tình trạng khó thở, gia đình mới đưa đến BV Thanh Nhàn.
“Tôi bị Covid-19 cách đó 2 tháng nhưng ho dai dẳng, đến lúc sổ mũi thì cứ nghĩ là chỉ ho bình thường, hậu Covid-19 thôi nên ra hiệu thuốc cứ bảo ho, sổ mũi, họ cho thuốc xanh xanh đỏ đỏ về uống, 3 ngày không đỡ, cố chịu đến ngày thứ 5 thì khó thở, các con cho vào đây”, Bà H chia sẻ.
Bà H. cho biết, thường ngày bà ít khi ra ngoài và nếu có đi đều đeo khẩu trang cẩn thận nên khá bất ngờ khi biết mình mắc cúm A.
Tương tự trường hợp bà H, bà L.T.Đ, 58 tuổi ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, vì mắc cúm A trên nền bệnh u đại tràng kèm đái tháo đường nên việc điều trị khó khăn hơn. Bà nằm viện đã gần 2 tuần nay nhưng thỉnh thoảng vẫn bị những cơn co thắt ngực do ho kéo dài. Bà Đ. cho biết: “Tôi bị cúm A tổn thương phổi, cũng phải thở ôxy, tiêm kháng sinh vào mệt lắm”.
Cùng nằm ở Khoa bệnh nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn với bà H. còn có 14 bệnh nhân khác, tất cả đều nhập viện trong tình trạng nặng, khó thở.
Theo các bác sĩ, bệnh cúm A do các chủng virus như H1N1, H5N1, H7N9 gây ra, thường xuất hiện vào mùa đông xuân, thời tiết lạnh, nồm ẩm. Vì vậy, việc bệnh nhân mắc cúm A tăng vào mùa hè năm nay được coi là hiện tượng bất thường.
BS Nguyễn Trọng Hưng – Khoa bệnh nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn cho rằng, hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh cúm A tăng bất thường vào mùa hè năm nay nhưng có thực tế là tất cả các bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị cúm A đều chưa tiêm vaccine.
Cũng giống như Covid-19, bệnh cúm A lây qua các giọt bắn khi tiếp xúc nên để phòng bệnh, người dân nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, nơi công cộng, hàng năm tiêm vaccine phòng chống cúm A.
Những triệu chứng của bệnh cúm A cũng giống như Covid-19 nên để phân biệt hai bệnh này chỉ có cách là làm xét nghiệm. Và, để phòng những biến chứng nặng, khi có các dấu hiệu như ho, đau rát họng, sốt cao, uống thuốc hạ sốt không đáp ứng, sổ mũi, hắt hơi thì bệnh nhân nên đến bệnh viện khám sớm.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết