Sáng 18/7, trên chuyến bay VN208 từ Tân Sơn Nhất đến Nội Bài, tiếp viên hàng không phát hiện hành khách mang con dao dài khoảng 20 cm ra gọt trái cây. Tiếp viên đã lập biên bản và thu giữ con dao. Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu rà soát toàn bộ quy trình kiểm soát an ninh với chuyến bay trên.
Một hành khách cao tuổi được phát hiện cầm dao lên khoang khách máy bay từ TP.HCM đi Hà Nội sáng 18/7. Đó là hành khách ngồi ở ghế 27 sử dụng con dao gọt trái cây dài từ dài 18-20cm. Ngay khi phát hiện, tiếp viên đã có mặt thu giữ con dao.
Thông tin về việc này, chia sẻ trên báo Dân Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho biết, Cục này đã giao Phòng An ninh hàng không kiểm tra, rà soát toàn bộ vụ việc để lọt hành khách mang dao lên báy máy của Vietnam Airlines.
Theo quy định hiện hành, dao lam, dao rọc giấy, các loại dao có lưỡi (không bao gồm cán dao) dài trên 6cm hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi trên 10 cm sẽ không được mang vào khu vực hạn chế, khoang khách của máy bay.
Đại diện Phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, nhìn qua hình ảnh trên mạng xã hội, nhiều khả năng con dao mà hành khách mang lên tàu bay thuộc danh mục bị cấm này.
Trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trường hợp mang dao lên tàu bay như trên, hành khách có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7 đến 10 triệu đồng (quy định tại Điều 26, Nghị định 162/2018/NĐ-CP).
Mặt khác, luật sư Đỗ Ngọc Thanh cho rằng việc hành khách mang vật dụng nguy hiểm (dao) lên máy bay trót lọt cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhân viên an ninh sân bay, bộ phận soi chiếu hành lý.
Theo luật sư Thanh, nếu quá trình điều tra của cơ quan chức năng xác định lỗi của nhân viên an ninh để lọt dao lên máy bay, nhân viên này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính thấp nhất là 1-3 triệu đồng.
Trong trường hợp hành vi của nhân viên an ninh có dấu hiệu uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không, mức phạt lên đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, nhân viên còn bị xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 1 tháng (quy định tại Điều 16 Nghị định 162/2018/NĐ-CP và 123/2021/NĐ-CP).
Có cùng quan điểm, luật sư Hà Hải, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng hành vi đưa vật phẩm là dao vào khu vực sân bay trái quy định của vị khách nêu trên là vi phạm, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này có thể bị xử phạt hành chính 7-10 triệu đồng.
Về phía ngành hàng không, đại diện cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho hay quy trình đánh giá hành vi sẽ được căn cứ đầy đủ, chặt chẽ về nhiệm vụ của máy móc và con người.
Cá nhân, bộ phận phụ trách theo dõi, kiểm tra an ninh hàng không và soi chiếu sẽ chịu trách nhiệm, tùy theo mức độ. “Theo quy định, lỗi này sẽ bị xử lý rất nặng, có thể bị chuyển công tác hoặc sa thải, tùy theo xem xét và quyết định của hội đồng kỷ luật”, đại diện Cảng hàng không Tân Sơn Nhất nói.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết