Theo luật sư, không chỉ kỹ sư T (người sửa xe) và nam thanh niên cầm lái có trách nhiệm mà cả Volvo Hà Nội và Ferrari Việt Nam cũng liên đới trách nhiệm. Song, do mức bồi thường lớn, các bên khởi kiện ra toà để đảm bảo quyền, lợi ích và đúng quy định pháp luật.
Trong vụ siêu xe Ferrari 488 GTB bị nhân viên garage sửa xe tông vào gốc cây ở Long Biên (Hà Nội), hiện các bên vẫn xảy ra tranh cãi trong vấn đề trách nhiệm, bồi thường.
Quan điểm về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng văn phòng luật Trung Hòa (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất thuộc về nhân viên Volvo (người lầm cái xe Ferrari dẫn đến tai nạn), tiếp đến là Ferrari Việt Nam và kỹ sư T liên đới trách nhiệm bồi thường.
Bởi theo luật sư, theo quy định, bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.
Căn cứ theo Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện là có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Trong vụ việc nêu trên, người thực hiện việc lái xe và gây ra tai nạn chính là nhân viên của Volvo – người được anh T (kỹ sư) nhờ chạy thử xe. Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất là của nhân viên Volvo.
Trong trường hợp này, vụ việc xảy ra khi Ferrari giao kết hợp đồng với anh T để sửa xe của khách. Do có sự giao kết hợp đồng sửa xe giữa anh T và Ferrari, nên khi anh T thực hiện công việc sửa xe cho khách chính là thực hiện công việc được pháp nhân là Ferrari giao.
Vì vậy, khi xảy ra sự cố dẫn đến tai nạn và hư hỏng xe của khách dẫn đến việc bồi thường, thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ferrari. Bởi theo Điều 597 BLDS 2015 đã quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.
Luật sư Tùng khẳng định: “Khi tham gia vào các quan hệ dân sự độc lập pháp nhân nhân danh chính mình để tham gia các quan hệ đó, cho nên thành viên của pháp nhân thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao cho sẽ được hiểu là thành viên đó nhân danh pháp nhân để thực hiện hành vi”.
“Thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao cho được hiểu là thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền mà pháp nhân đã giao cho họ và thiệt hại xảy ra trong khoảng thời gian mà người đó đang thực hiện công việc tại địa điểm công việc đó được tiến hành. Như vậy, có thể hiểu là khi anh T thực hiện việc sửa xe chính là đã nhân danh Ferrari để làm việc đó.
Vậy nên khi có thiệt hại xảy ra, trách nhiệm bồi thường trước hết sẽ thuộc về pháp nhân là Ferrari. Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên, sau khi bồi thường cho người bị thiệt hại, Ferrari có thể yêu cầu thành viên của mình có lỗi trong việc gây ra thiệt hại hoàn trả lại số tiền mà pháp nhân đã bồi thường cho người bị thiệt hại”, luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Theo luật sư, ngoài ra, Ferrari đã không thông báo với khách hàng là chủ xe về việc thực hiện việc sửa xe ở ngoài bãi của hãng. Vì vậy khách hàng không nắm bắt được thông tin về việc xe của mình ở đâu, trong tình trạng như thế nào. Điều này đã vi phạm hợp đồng giữa chủ xe và Ferrari. Vì vậy, Ferrari có trách nhiệm xử lí việc sai phạm này.
Tuy nhiên, khi thực hiện công việc sửa xe, anh T đã nhờ một nhân viên khác thử xe để dẫn đến tai nạn. Việc này không nằm trong hợp đồng giao kết sửa xe giữa anh T và Ferrari. Do đó, việc thiệt hại này nằm ngoài hợp đồng giữa Ferrari và anh T.
Ngoài ra, anh T nhờ nhân viên khác chạy thử xe tức là uỷ quyền cho nhân viên khác khi đang trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa anh và Ferrari. Điều này không được quy định trong hợp đồng giữa anh T và Ferrari. Vậy nên khi xảy ra thiệt hại, trách nhiệm bồi thường nằm ngoài hợp đồng giữa anh T và Ferrari.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng. Như vậy, người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015).
Vì nhân viên chạy thử xe là người gây ra tai nạn nên trách nhiệm chính thuộc về nhân viên đó nên lẽ ra, khi anh T nhờ nhân viên khác chạy thử xe, anh phải xác định, kiểm tra lại toàn bộ xe xem toàn bộ hư hại của xe đã được sửa toàn bộ, hoàn chỉnh hay chưa.
Thêm vào đó, anh T phải xác định tình trạng của nhân viên mà anh nhờ chạy thử xem có đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ cũng như tinh thần để thực hiện việc chạy thử hay không? Nếu nhân viên đó có đầy đủ năng lực hành vi để thực hiện việc đó thì mới giao xe để chạy thử. Tuy nhiên, nhân viên đó thực hiện công việc dưới sự uỷ quyền của anh T. Vậy nên anh T phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn này, cả anh T, nhân viên chạy thử xe và Ferrari đều phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.
Cụ thể về trách nhiệm sẽ phụ thuộc vào lỗi của từng bên. Trách nhiệm bồi thường chính là của nhân viên chạy thử xe, sau đó đến anh T và cuối cùng là Ferrari.
Về mức bồi thường, các bên có thể thoả thuận với nhau để đảm bảo lợi ích của các bên.
Tuy nhiên, vì giá trị của tài sản và mức độ thiệt hại phải bồi thường lớn, vậy nên các bên không thoả thuận được mức bồi thường của mỗi người. Trường hợp này, các bên khởi kiện ra Toà để đảm bảo lợi ích và đúng quy định pháp luật.
Về trách nhiệm của Volvo Hà Nội, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, căn cứ Điều 597, 600 BLDS 2015 quy định về pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Như vậy, nếu có căn cứ xác định nhân viên Volvo Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng xe theo chỉ đạo của công ty này, hoặc theo công việc công ty phân công thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe Ferrari thuộc về công ty (pháp nhân) đó.
Trước đó, ngày 21/7, siêu xe Ferrari 488 GTB đã mất lái, tông làm bật cây xanh ở vỉa hè khu vực ngõ 45, đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội.
Người lái xe là kỹ thuật viên của Volvo Hà Nội. Anh này lái thử siêu xe trước khi giao cho khách theo “chỉ đạo” của kỹ sư T – Giám đốc garage
Chủ nhân chiếc Ferrari 488 là anh H, một đại gia kín tiếng ở Hà Nội.
Theo anh H, do chiếc xe bị gặp sự cố cần thay dây cua-roa và bảo dưỡng, anh đã liên lạc với hãng Ferrari Việt Nam và được nhân viên của hãng giới thiệu làm sửa chữa, bảo dưỡng tại xưởng dịch vụ của Volvo Hà Nội .
Cụ thể, anh được nhân viên Ferrari Việt Nam giới thiệu tới kỹ sư T của Volvo Hà Nội để sửa xe.
Tường trình với Volvo Hà Nội, kỹ sư T cũng báo cáo, đây là giao dịch cá nhân với Ferrari Việt Nam. Cả vị kỹ sư này và kỹ thuật viên (người trực tiếp lái xe gây tai nạn) cũng đã thừa nhận đây là quan hệ cá nhân với hãng xe Ferrari Việt Nam và chủ xe.
Như vậy, việc giải quyết vụ tai nạn đang diễn biến khá phức tạp khi cả hai đơn vị liên quan là Volvo Hà Nội và Ferrari Việt Nam đều trả lời theo hướng phủ nhận trách nhiệm liên quan trực tiếp.
Trách nhiệm đền bù cho chủ xe giờ đây bị đẩy về phía 2 cá nhân nhận sửa và lái siêu xe.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết