Trải qua 5 tháng giao tranh, Nga đã đạt được những bước tiến lớn trong khi Ukraine cũng thể hiện sức kháng cự bền bỉ trước đối thủ về cả hỏa lực lẫn nhân lực, song Kiev vẫn chưa thể tiến hành phản công trên diện rộng.
Sau nhiều tuần chiến sự diễn ra ác liệt, đặc biệt ở khu vực Donbass, Nga đã giành được những chiến thắng nhỏ với sự hỗ trợ từ hỏa lực mạnh mẽ của pháo binh. Bất chấp những tổn thất về người và thiết bị quân sự kể từ đầu chiến dịch quân sự, Nga vẫn có lợi thế đáng kể về binh sĩ, xe tăng, pháo binh và máy bay.
Trước tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng Ukraine khó có thể giành ưu thế trước Nga. Bên cạnh đó, viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine dường như đã bị đình trệ trong vài tuần qua.
Khi giá lương thực và khí đốt tăng cao, một số nước phương Tây cho rằng Ukraine nên chấp nhận thiệt hại và hòa giải với Nga, nhượng lại Donbass và một phần lãnh thổ ở Biển Đen nối Ukraine với Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014.
Tuy nhiên, Ukraine thể hiện quan điểm rằng họ không hề dao động. Ukraine tin rằng chiến lược của họ đang hiệu quả và với vũ khí do phương Tây cung cấp, họ có thể đẩy lùi được lực lượng Nga.
Richard Moore, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anh MI6, cho rằng Nga sắp cạn kiệt nguồn lực. “Theo đánh giá của chúng tôi, Nga sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm binh sĩ và thiết bị quân sự trong vài tuần tới”, ông Moore nói.
Quân đội Nga cũng đã chịu những thiệt hại nặng nề trước sự kháng cự của Ukraine. Tuy nhiên, với số lượng nhỏ pháo hạng nặng và bệ phóng tên lửa, Ukraine chưa đủ sức mạnh để tạo ra một cuộc phản công trên diện rộng.
Mỹ và phương Tây đã cung cấp cho Ukraine rất nhiều áo giáp, vũ khí và đạn dược cỡ nhỏ cũng như các hệ thống phòng không và hệ thống tên lửa chống tăng như Javelins và Stingers. Mặc dù vậy, Ukraine sẽ cần nhiều lượng vũ khí nhiều hơn nữa.
Ukraine cần gì để thay đổi cục diện cuộc chiến?
Hệ thống nhìn đêm
Một trong những điểm đáng chú ý trong 5 tháng đầu của chiến dịch quân sự là lực lượng Nga không sử dụng thiết bị nhìn đêm. Quân đội Nga không sử dụng thiết bị nhìn đêm để nhằm vào các lực lượng sử dụng vũ khí thông thường. Chỉ các đơn vị tác chiến đặc biệt (Spetsnaz) mới được cung cấp hệ thống này.
Tờ 19fortyfive cho rằng đây là một trong những khía cạnh mà Ukraine có lợi thế. Quân đội Ukraine đã kêu gọi trang bị nhiều thiết bị nhìn đêm hơn trong cuộc giao tranh năm 2014 với quân ly khai ở miền Đông. Họ cũng đang tăng dần số lượng thiết bị này cho lực lượng. Đây có thể là yếu tố thay đổi cục diện cuộc chiến cho Ukraine.
Thiết bị nhìn đêm mà Mỹ đã sử dụng trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất đã mang lại lợi thế to lớn cho nước này trước đối thủ sử dụng pháo sáng trên chiến trường.
Đạo luật Lend-Lease
Vào tháng 5, Tổng thống Joe Biden đã ký thông qua Đạo luật Cho vay – Cho thuê (Lend – Lease) Phòng vệ Dân chủ Ukraine 2022, đồng thời tuyên bố Mỹ ủng hộ “Ukraine chiến đấu bảo vệ đất nước và nền dân chủ” trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Đạo luật Lend – Lease sẽ mở rộng hỗ trợ về pháo, tên lửa phòng không, vũ khí chống tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác của phương Tây cho quân đội Ukraine. Nó tách biệt với nỗ lực chuyển vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ cho Ukraine đã diễn ra.
Mỹ hiện có rất nhiều xe tăng M1 Abrams và hệ thống pháo tự hành M109 nằm trong kho do có các thiết bị mới hơn thay thế. Dù không còn là những hệ thống hàng đầu nhưng chúng vẫn tốt hơn bất kỳ loại vũ khí nào mà Ukraine đang sử dụng.
Mỹ vẫn đang giữ những vũ khí này để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây có thể là thời điểm Mỹ “mở khóa” kho vũ khí đó và cung cấp cho Ukraine.
Về pháo phản lực tiên tiến HIMARS , 19fortyfive nhận định rằng hệ thống này có hiệu quả cao nhưng hiện Ukraine chỉ sở hữu 12 hệ thống này. Số lượng này không đủ để Ukraine tiến hành những cuộc phản công.
Tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch gửi cho Ukraine thêm 4 hệ thống HIMARS cũng như nhiều tên lửa dẫn đường. Nếu tính cả gói viện trợ sắp tới, tổng số hệ thống HIMARS mà Ukraine được nhận sẽ tăng lên 16. Trước đó, Ukraine đã yêu cầu ít nhất 50 bệ phóng tên lửa HIMARS.
Nga phải bảo trì, bảo dưỡng số lượng lớn thiết bị quân sự
Nga có khoảng 110 tiểu đoàn chiến thuật ở Ukraine. Mỗi tiểu đoàn có khoảng 3 khẩu đội pháo binh và mỗi khẩu đội có 6 khẩu pháo. Ước tính Nga bắn khoảng 60.000 viên đạn mỗi ngày vào Ukraine, tương đương khoảng 30 viên đạn cho mỗi khẩu pháo.
Pháo binh Nga có tuổi thọ nòng pháo từ 2.000-2.500 viên, nghĩa là nước này cần bảo dưỡng hoặc thay thế khẩu pháo trong vòng chưa tới 100 ngày. Bởi vậy, pháo binh Nga có thể sẽ cần một cuộc sửa chữa lớn trong thời gian ngắn. Ukraine cần theo dõi chặt chẽ vấn đề này trong vài tuần tới.
Tác giả BySteve Balestrieri cho rằng Ukraine vẫn có thể chiếm được ưu thế trong cuộc chiến với Nga nhưng cần nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phương Tây. 19FortyFive dẫn lời nhiều quan chức quân sự phương Tây nói rằng Ukraine sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược dược nghiêm trọng, thậm chí có thể cạn kiệt, vào tháng 9./.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết