Các nghiên cứu cho thấy thời gian tái nhiễm COVID-19 đã rút ngắn lại và việc tái nhiễm có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khoẻ.
Khi Lyndall Heather, một nữ y tá thành phố Darwin (Úc) có kết quả dương tính với COVID-19, cô không thể tin vào mắt mình bởi đây là lần thứ 3 trong năm cô nhiễm virus SARS-CoV-2. Lần nhiễm này chỉ cách lần nhiễm trước đó 6 tuần.
Ở các lần nhiễm trước, Heather có triệu chứng COVID kéo dài gồm mệt mỏi và sương mù não. Do đó, cô rất lo lắng cho lần nhiễm bệnh này.
Tái nhiễm COVID-19 phổ biến như thế nào?
Heather là một trong số hàng nghìn người Úc hiện đã mắc COVID-19 nhiều lần. Lần nhiễm bệnh thứ 2, Heather không có triệu chứng và chỉ phát hiện bằng xét nghiệm thông thường tại nơi làm việc. Các quan chức y tế tin rằng số người Úc thực sự đã bị nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều so với số lượng đã được báo cáo.
Một nghiên cứu kéo dài 2 năm ở tỉnh Vojvodina, Serbia được công bố trên tạp chí The Lancet Regional Health – Châu Âu, cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong việc tái nhiễm COVID-19 khi biến thể Omicron xâm nhập đất nước này vào đầu năm 2022.
Giáo sư, nhà dịch tễ học John Ioannidis của Đại học Stanford, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này đã bổ sung dữ liệu về tình trạng tái nhiễm.
Giáo sư Ioannidis nói: “Rõ ràng số ca tái nhiễm, cũng giống như số ca nhiễm mới đã được báo cáo ít hơn. Rất nhiều trường hợp mắc ‘mới’ có thể là tái nhiễm và điều này chưa được ghi nhận”.
Nghiên cứu đã đưa ra kết quả thật đáng kinh ngạc. Trong số 13.792 ca tái nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại tỉnh Vojvodina từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2022, gần 87% số ca xảy ra chỉ riêng trong tháng 1/2022.
Hầu hết tất cả các ca nhiễm COVID-19 lần thứ 3 được ghi nhận trong nghiên cứu cũng xảy ra sau tháng 10/2021. Đây là thời kỳ Omicron lưu hành trong cộng đồng dân cư. Điều này càng khẳng định khả năng lây nhiễm đột phá của Omicron khi nó xâm nhập vào một cộng đồng.
Dữ liệu cho thấy biến thể BA.1 – Omicron ban đầu – có khả năng lây truyền cao gấp 3 lần so với biến thể COVID-19 đầu tiên của Vũ Hán.
Giáo sư Ioannidis cho biết: “Omicron đã khiến số ca mắc COVID-19 tăng nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng điều này có thể tiếp tục với các biến thể BA.4 và BA.5 hiện đang chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia, trong đó có Úc”.
Tiến sĩ Nirvana Luckraj, Giám đốc Y tế của Healthdirect (Úc), cho biết: “Các biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 có khả năng tránh được miễn dịch có được từ lần nhiễm bệnh trước đó và khả năng tái nhiễm có thể xảy ra chỉ vài tuần sau lần nhiễm bệnh gần nhất”.
Do đó, hiện nay, Úc đã rút ngắn thời gian tái nhiễm từ 12 tuần xuống còn 4 tuần để xét nghiệm loại trừ COVID-19.
Đối tượng nào đang bị tái nhiễm COVID-19 nhiều?
Nghiên cứu của Serbia cho thấy những bệnh nhân tái nhiễm đều là người trẻ, thường là nữ và nhiều người là nhân viên y tế.
Lực lượng lao động y tế của Úc chủ yếu là nữ, trung bình ở độ tuổi từ 20 đến 34. Điều đó có nghĩa là những y tá như Heather (28 tuổi) là một trong số những người có khả năng bị tái nhiễm cao nhất.
Giáo sư Ioannidis nói: “Tôi nghĩ có lẽ đây là sự phản ánh thực tế rằng những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người có mức độ phơi nhiễm cao có khả năng tái nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều”.
“Tin tốt là đối với nhóm người này, nguy cơ bệnh chuyển nặng khi tái nhiễm là rất thấp.”
Những tác động sức khỏe của việc tái nhiễm COVID-19
Có dữ liệu mâu thuẫn về mức độ nguy hiểm của việc nhiễm COVID-19 lần 2 và lần 3.
Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ đối với gần 39.000 ca tái nhiễm từ Bộ Cựu chiến binh cho thấy “tái nhiễm làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và gây ra những hậu quả bất lợi đối với sức khỏe”.
Tiến sĩ Luckraj cho biết: “Các nghiên cứu đang chỉ ra rằng tái nhiễm có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhiều hơn, đặc biệt đối với những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và có nguy cơ mắc triệu chứng COVID kéo dài”.
“Bạn có thể nhiễm một biến thể mới và lần nhiễm bệnh này có các biểu hiện hoàn toàn khác với các lần nhiễm bệnh trước đó. Quá trình hồi phục cũng có thể khó hơn hoặc lâu hơn”, vị tiến sĩ nói.
Tuy nhiên, giáo sư Ioannidis cho biết theo dữ liệu từ nghiên cứu của Serbia, dường như tái nhiễm COVID-19 ít có tác động nghiêm trọng tới sức khỏe.
“Theo phân tích của chúng tôi, khi tái nhiễm COVID-19, nguy cơ nhập viện thấp hơn 4 lần so với lần nhiễm bệnh ban đầu và nguy cơ tử vong thấp hơn 10 lần. Cho đến nay, có vẻ như tái nhiễm COVID-19 là rất phổ biến, nhưng không nghiêm trọng”, vị giáo sư nói.
Tái nhiễm COVID-19 khi nào mới kết thúc?
Tiến sĩ Luckraj cho biết các biến thể phụ BA.4 và BA.5 không phải là dấu chấm hết của virus SARS-CoV-2.
“Virus luôn thay đổi, phát triển để tồn tại. Vì vậy, có thể sẽ có nhiều biến thể phụ mới xuất hiện.”
Giáo sư Ioannidis nhấn mạnh: “Không có gì đảm bảo về biến thể tiếp theo sẽ trông như thế nào nhưng những gì chúng ta đã thấy cho đến nay thì virus đang tiến hóa đến giai đoạn đặc hữu”.
“Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn virus corona, nhưng điều này rất khó có thể xảy ra.”
Mức độ nghiêm trọng của tái nhiễm COVID-19 so với lần nhiễm bệnh ban đầu
Các trường hợp tái nhiễm COVID-19 dường như ít nghiêm trọng hơn so với các trường hợp nhiễm bệnh lần đầu tiên. Một nghiên cứu năm 2021 được đăng tải trên Tạp chí Y khoa New England đã xem xét nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong do tái nhiễm COVID-19. So với lần nhiễm bệnh đầu tiên, lần tái nhiễm có nguy cơ gây bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong thấp hơn 90%.
Một nghiên cứu vào tháng 4 năm 2022 của Cơ quan An ninh Y tế Vương Quốc Anh cũng cho thấy tái nhiễm COVID-19 có nguy cơ tử vong thấp hơn so với lần nhiễm bệnh đầu tiên.
Tương tự như lần nhiễm virus corona đầu tiên, tuổi tác, giới tính và tình trạng sức khỏe cơ bản là các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh chuyển nặng do tái nhiễm.
Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy việc tái nhiễm có thể làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Một nghiên cứu vào tháng 6 năm 2022 của Đại học Washington cho thấy so với những lần nhiễm bệnh đầu tiên, việc tái nhiễm COVID-19 làm tăng nguy cơ:
– Mệt mỏi kéo dài
– Các vấn đề với phổi, hệ thống tim mạch và nhiều cơ quan khác trong cơ thể
– Tiểu đường
– Nhập viện
– Tử vong vì bất kỳ nguyên nhân nào
Các tình trạng này có thể xảy ra ở cả những người đã hoặc chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghiên cứu chưa được bình duyệt và không phản ánh nguy cơ trong đại bộ phận dân cư. Các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào những người sử dụng các nguồn chăm sóc sức khỏe Cựu chiến binh. Do đó, số người tham gia nghiên cứu thường là nam giới cao tuổi và có sức khỏe kém hơn.
COVID-19 gây tổn thương tim
Hãng tin Reuters đưa tin, một nghiên cứu chưa được đánh giá đồng cấp tại Bồ Đào Nha được đăng tải trên tạp chí medRxiv cho thấy so với biến thể phụ Omicron BA.2 trước đó, Omicron BA.5 có liên quan đến tỷ lệ gây tái nhiễm SARS-COV-2 cao hơn bất kể tình trạng tiêm chủng nào.
Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6, các nhà nghiên cứu đã xem xét 15.396 người lớn bị nhiễm biến thể BA.2 và 12.306 người bị nhiễm BA.5. Kết quả cho thấy các mũi vaccine tăng cường có hiệu quả cao đối với cả 2 dòng phụ này của biến thể Omicron. Tuy nhiên, 10% trường hợp mắc BA.5 là tái nhiễm, trong khi trường hợp tái nhiễm ở những người mắc BA.2 là 5,6%.
Các nhà nghiên cứu cho biết protein gai của virus SARS-CoV-2 tương tác với các protein khác trong tế bào tim để gây viêm. Ở một bệnh nhân đã qua đời do nhiễm COVID-19, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy protein gai của SARS-CoV-2 và protein TLR4 (protein phát hiện virus và kích hoạt phản ứng viêm) trong cả tế bào cơ tim và các loại tế bào khác.
“Điều đó có nghĩa là một khi cơ thể nhiễm SARS-CoV-2, nó sẽ kích hoạt tín hiệu TLR4”, Zhiqiang Lin, Viện Nghiên cứu Y khoa Masonic, New York cho biết.
Ông trả lời hãng tin Reuters rằng: “Chúng tôi đã cung cấp bằng chứng trực tiếp cho thấy protein gai có thể gây hại đối với các tế bào cơ tim và thu hẹp cơ chế hoạt động vì protein gai trực tiếp truyền vào các tế bào cơ tim”.
“Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để kiểm tra xem liệu protein gai có phá hỏng hoàn toàn các tế bào cơ tim hay không.”
Làm gì để hạn chế tái nhiễm COVID-19?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm lại COVID-19 là tiếp tục thực hiện các biện pháp để bảo vệ bản thân, bao gồm:
– Tiêm đầy đủ vaccine COVID theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.
– Đeo khẩu trang vừa với mặt khi ở nơi công cộng, đặc biệt những nơi tập trung đông người trong nhà.
– Tránh các khu vực đông đúc, không gian thông gió kém.
– Rửa tay thường xuyên.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết