Nhiều nhà thuốc lợi dụng mặt hàng khan hiếm, nâng giá thuốc sai quy định so với giá niêm yết của Bộ Y tế.
Viên Minh (26 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) trong một tuần trở lại đây cô cảm thấy ngạt mũi, khó thở, ho và sốt. Cô đã mua kít test cúm và COVID-19 về thử thì kết quả cho thấy cô mắc cúm A. 3 ngày đầu cô không dùng thuốc mà chỉ ở nhà nghỉ ngơi, sang ngày thứ 4 triệu chứng nặng hơn, cô đã tìm mua loại thuốc Tamiflu chuyên điều trị cúm. Tuy nhiên khi đi mua thì cô mới biết mặt hàng này giá khá cao, mua lẻ thì giá đã lên 75.000 đồng/1 viên, cả hộp 10 viên là 750.000 đồng.
“Nghe giá tôi khá giật mình, nhưng vì bản thân đang cần và sợ những biến chứng nguy hiểm, nên tôi đã chấp nhận mua”, Viên Minh cho biết.
Chị Hoàng Hoa (30 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sốt sắng khi cúm A hiện đang bùng phát mạnh ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Nhà có con nhỏ, 2 vợ chồng sức đề kháng cũng kém, nên chị đã ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị cúm về dự trữ.
Tuy nhiên khi ra hiệu thuốc, chị khá bất ngờ khi loại thuốc Tamiflu tăng giá. Thường ngày Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên chỉ có giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp, nhưng nay đã tăng lên 60.000 – 65.000 đồng/1 viên. Thậm chí chị chỉ cần chậm chân vài phút là không thể mua được.
Khảo giá thuốc tại một số quận huyện trên địa bàn Hà Nội, mỗi nơi bán giá một kiểu. Một nhà thuốc trên đường Láng Hạ (Đống Đa), cho biết thuốc Tamiflu điều trị cúm A hiện khá khan hàng, cửa hàng còn thuốc nhưng giá khá cao ở mức 550.000 đồng/1 hộp.
Hay như nhà thuốc trên đường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chủ hiệu thuốc cho biết thuốc Tamiflu hiện đang khan hàng, giá bán 700.000 đồng/1 hộp 10 viên.
BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khuyến cáo việc người dân tự ý đi mua thuốc Tamiflu tích trữ, thậm chí tự ý sử dụng là không cần thiết.
“Tamiflu là một thuốc kháng virus vì vậy nên có chỉ định dùng sớm, nhưng phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh phải được xác định là nhiễm cúm A, kèm theo đó là chỉ định của bác sĩ thì mới có thể dùng Tamiflu”, BS Thiệu nói.
Tuy nhiên, BS Thiệu khuyến cáo, việc dùng Tamiflu không theo chỉ dẫn, người bệnh còn đối mặt với các tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi… Chính vì vậy người dân không cần thiết tự ý đi mua thuốc Tamiflu tích trữ.
Bộ Y tế nói gì?
Trước tình trạng loạn giá thuốc điều trị cúm, ngày 28/7, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố; Các bệnh viện/viện trực thuộc Bộ; Các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.
Theo Cục Quản lý Dược, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn một số tỉnh thành phố, số ca cúm mùa có xu hướng gia tăng, trong đó tỉ lệ ca mắc cúm A qua thống kê của các bệnh viện tăng cao so với các năm trước.
Để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 665/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác;
Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân;
Chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bản thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bản theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi; các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về thặng số bán lẻ quy định tại Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08.5.2021 của Chính phů.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo đúng quy định; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Đối với các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược yêu cầu chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá thuốc.
Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm, trong đó có các thuốc điều trị cúm A, chủ động khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết.
Các cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Để phòng, chống bệnh cúm A, BS Thiệu khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm cho những người ≥ 6 tháng tuổi không có chống chỉ định.
Bên cạnh đó, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn, dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ.
Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, vì thế tránh đưa trẻ tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Và cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết