Từ vụ bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) bị hành hung, vấn đề được dư luận đặt ra là cả bác sĩ và người nhà bệnh nhân cần có thái độ ứng xử tôn trọng lẫn nhau để tránh “đụng tay, đụng chân” ở nơi cứu người.
Liên quan đến vụ việc này, Công an quận Bình Thạnh đã làm việc với ông Đ.Q.B. (40 tuổi, cha của cháu bé bị hóc xương) nhằm làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ. Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cho hay tình trạng sức khỏe của bé gái đã bình thường, được cho về nhà theo dõi.
Có “hàng rào bảo vệ”
Điều khiến nhiều người bất ngờ là vụ hành hung bác sĩ lại xảy ra tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, một trong số ít bệnh viện ở TP.HCM tiên phong ứng dụng hệ thống “code grey” (hệ thống phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh, trật tự) nhằm bảo vệ nhân viên y tế trước các vụ hành hung, gây rối trong quá trình khám chữa bệnh.
Hệ thống này bắt đầu vận hành từ năm 2019 dựa trên nền tảng API service (giao diện lập trình ứng dụng) tích hợp tổng đài ảo tạo ra các file giọng nói với nhiều cách đọc khác nhau, gọi được nhiều số điện thoại cùng lúc. Từ khi áp dụng, theo bệnh viện, hệ thống đã kịp thời hóa giải thành công hàng chục trường hợp gây rối và sử dụng hung khí đe dọa, hành hung nhân viên y tế.
Sau sự việc mới đây, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải – giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định – cho biết đơn vị đã tiến hành rà soát lại hiện trường vụ việc, kiểm tra lại quy trình tiếp nhận và khám bệnh của khoa cấp cứu, quy trình code grey.
“Kết quả cho thấy thời điểm này khoa cấp cứu đã tiến hành khởi động code grey cấp độ 2 (không có hung khí), tăng cường bảo vệ cho khoa cấp cứu và tiếp tục trấn an người nhà bệnh nhân nhưng người này vẫn có những lời nói hăm dọa trước khi đưa bé rời khỏi bệnh viện đến cơ sở điều trị”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Văn Khanh – giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh – cho biết đơn vị cũng đã ghi nhận một số trường hợp gây rối, hành hung nhân viên y tế xảy ra tại khoa cấp cứu. Phần lớn nguyên nhân của các vụ này không phải do ứng xử, giao tiếp từ bác sĩ mà xuất phát từ việc bệnh nhân, người nhà chưa hiểu hết quy trình cấp cứu tại bệnh viện.
Tương tự, một bác sĩ trẻ đang công tác tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng thừa nhận anh cùng đồng nghiệp đã bị người nhà chỉ trích, quát mắng trong lúc bệnh nhân đang đợi cấp cứu.
“Sau khi được giải thích, người nhà của bệnh nhân vẫn nói to tiếng và sau đó bảo vệ bệnh viện phải can thiệp, đưa họ ra khỏi khu vực cấp cứu chúng tôi mới có thể tập trung chuyên môn cứu người”, bác sĩ này nói.
Thông tin đầy đủ, người bệnh an tâm
Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi thường xuyên tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân vào cấp cứu, trong đó có cả người “chưa đến mức phải cấp cứu”.
Theo bác sĩ Trần Văn Sóng – phó giám đốc bệnh viện, khi một bệnh nhân vào cấp cứu, điều đầu tiên là bác sĩ sẽ phân loại đánh giá mức độ tổn thương (vừa, nhẹ, nặng, nguy kịch), từ đó giải thích cho người nhà hiểu, đồng thời đưa ra các biện pháp xử trí phù hợp. Có nhiều trường hợp cấp cứu khẩn cấp, bệnh viện sẵn sàng bỏ qua mọi thủ tục hành chính để cấp cứu trước và cập nhật thông tin sau.
“Tâm lý của người đưa bệnh nhân đi cấp cứu bao giờ cũng nôn nóng, luôn muốn người thân mình được cấp cứu trước nhưng khi bác sĩ kiểm tra thì không phải là tình huống phải cấp cứu ngay. Tất nhiên, các ca ở mức độ vừa và nhẹ sẽ không thể nào ưu tiên bằng các trường hợp đe dọa tính mạng, do đó người nhà cần bình tĩnh để bác sĩ xử trí”, bác sĩ Sóng khuyến cáo.
Theo bác sĩ Sóng, việc trao đổi của bác sĩ là rất quan trọng, phải giúp người nhà bệnh nhân hiểu được tình trạng bệnh và hiểu rằng sẽ phải chờ đợi bao lâu để không quá nôn nóng.
PGS.TS Lê Đình Thanh, giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho rằng quy trình phản ứng code grey hay tăng cường lực lượng, an ninh bệnh viện chỉ là giải pháp ứng phó trước mắt. Theo ông, giải pháp gốc rễ để giải quyết vấn nạn hành hung bác sĩ về lâu dài phải là tăng niềm tin giữa bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế.
“Giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, người nhà phải ứng xử hài hòa, tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau. Lúc đó ‘hàng rào’ để bảo vệ nhân viên y tế một phần là chính bản thân họ. Mỗi nhân viên y tế không chỉ giỏi về chuyên môn mà cần niềm nở, hiểu tâm lý người bệnh, giải thích rõ ràng. Về phía bệnh nhân và thân nhân cần hiểu được quy trình cấp cứu, khám chữa bệnh và tin tưởng vào cách làm việc của bác sĩ”, bác sĩ Thanh phân tích.
Ông Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay khoa cấp cứu là nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện nên trong quá trình tiếp nhận, điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, áp lực. Xuất phát từ việc này, ông cho rằng ngành y tế đã cố gắng cải cách thủ tục hành chính; xây dựng rất nhiều kênh lắng nghe ý kiến, đóng góp của người dân, người bệnh cũng như nhân viên y tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trong các cơ sở y tế, đặc biệt là đơn vị công lập.
“Qua sự việc lần này chúng tôi kêu gọi người dân khi đến cơ sở y tế hãy giữ một môi trường điều trị an toàn, tin tưởng vào người thầy thuốc để các nhân viên y tế an tâm công tác, người bệnh được an toàn chăm lo sức khỏe”, ông Dũng chia sẻ.
Vòng đeo tay phân loại mức độ cấp cứu
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bên cạnh ứng dụng hệ thống code grey, nhiều giải pháp mà bệnh viện đưa ra là phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ phận, bố trí khu vực cho người nhà bệnh nhân chờ…
Đặc biệt, bệnh viện chia nhóm mức độ cấp cứu qua màu sắc trên vòng đeo tay của bệnh nhân (màu đỏ: nguy kịch, xử lý dưới 5 phút; màu vàng: trung bình, xử lý từ trên 5 – 30 phút; màu trắng và xanh: xử lý cuối cùng). Bảng phân loại mức độ cấp cứu qua màu sắc vòng đeo tay được đặt tại khu vực người nhà chờ đợi để họ biết được tình trạng người thân của mình.
“Đây là những phương án mà hầu hết các bệnh viện đều làm. Nhưng một trong những điều rất quan trọng là thao tác và cách giải thích của nhân viên y tế phải nhanh, gọn, rõ ràng. Còn chuyện người nhà cố tình không hiểu, có cử chỉ, lời nói, cố tình làm rối thì nhân viên y tế cần giữ khoảng cách, nhờ lực lượng bảo vệ hỗ trợ kịp thời” – bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện, nói.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết