Trung Quốc và Nga là hai nước có quan hệ gần gũi với nhau trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Tuy nhiên giữa Nga và Trung Quốc vẫn có những đặc điểm khác biệt lớn, khiến cách tiếp cận của họ đối với Mỹ là khác nhau đáng kể.
Hai quốc gia này có những ưu tiên chiến lược rất khác nhau. Ngoài ra, giữa họ còn có sự khác biệt lớn về năng lực và tiềm năng kinh tế, quân sự.
Khác biệt về kinh tế và quân sự
Về kinh tế, Trung Quốc là nền kinh tế có GDP lớn thứ 2 thế giới. Đến năm 2011, GDP của Trung Quốc bằng 26% của Mỹ. Trái lại, GDP của Nga chỉ bằng 10% của Mỹ. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bền vững hơn của Nga.
Nguyên nhân cho các khác biệt trên rất dễ hiểu. Tăng tưởng kinh tế của Trung Quốc trong hàng thập kỷ là dựa trên sự phát triển toàn diện một loạt ngành như nông nghiệp, ngành sản xuất thâm dụng lao động, công nghiệp công nghệ cao, v.v.. Bên cạnh đó, do Trung Quốc là “công xưởng thế giới” với nhu cầu cao về nhập khẩu nguyên liệu thô, đất nước này được kết nối với kinh tế thế giới tốt hơn Nga. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế Nga dựa chủ yếu vào khu vực năng lượng.
Việc liên kết mạnh với kinh tế thế giới có tác động 2 mặt lên Trung Quốc. Một mặt, điều này là một trong các nhân tố chủ chốt thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc phát triển trong nhiều thập kỷ. Mặt khác, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ở cấp độ sâu như vậy cũng khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dễ bị tổn thương vào các thời kỳ xảy ra khủng hoảng, như chiến tranh chẳng hạn.
Trung Quốc hiện nay là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, dựa trên hoạt động xuất nhập khẩu. Mà thương mại của Trung Quốc ở đây chủ yếu là với Mỹ và các đồng minh chủ chốt của Mỹ. Cụ thể, Mỹ và đồng minh của họ chiếm tới 8 trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Do vậy, trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự ở khu vực eo biển Đài Loan, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hứng chịu các lệnh trừng phạt hà khắc do Mỹ và các đồng minh của Mỹ áp đặt. Ngoài ra, nền kinh tế của Trung Quốc cũng bị tác động mạnh và có thể rơi vào suy thoái.
Xét về mặt này, Nga ít e ngại bị ảnh hưởng về kinh tế nếu quan hệ của họ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xấu đi.
Khác với trường hợp Trung Quốc (chuyên nhập khẩu nguyên liệu thô và năng lượng), Nga có lợi thế về năng lượng. Chính Mỹ và phương Tây (nhất là Liên minh châu Âu) phụ thuộc cao độ vào nguồn cung khí đốt của Nga, dù cho gần đây các lệnh trừng phạt của châu Âu có làm giảm bớt sự phụ thuộc đó.
Còn về quân sự, Nga duy trì kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới (xét về số lượng đầu đạn hạt nhân), đồng thời cũng sở hữu một lực lượng quân quy ước đáng sợ, chủ yếu là lục quân. Chiến trường Ukraine chủ yếu là trên bộ nên Nga có điều kiện phát huy sở trường đó của mình.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc dù đã trải qua quá trình hiện đại hóa nhanh chóng, vẫn xếp sau Mỹ hàng thập kỷ. Trung Quốc bắt đầu hiện đại hải quân và không quân chỉ vào cuối thập niên 1990. Giống Nga, lục quân Trung Quốc mạnh hơn so với hải quân và không quân của họ.
Khác biệt về ưu tiên chiến lược
Tổng thống Putin hồi tháng 2/2022 phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine nhằm bảo đảm an ninh ở cận kề nước Nga trước sự mở rộng về phía Đông của khối quân sự NATO. Moscow cảm thấy phải hành động ngay, không thể chậm trễ hơn do khả năng Ukraine và các nước Đông Âu khác gia nhập NATO.
Trái lại, ưu tiên chiến lược của Trung Quốc vẫn là duy trì môi trường hòa bình có lợi cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Lý do đằng sau điều này rất đơn giản. “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình thực chất là phục hưng dân tộc Trung Quốc, với nội dung đưa Trung Quốc một lần nữa trở lại thành trung tâm của Đông Á. Vì thế, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ ưu tiên theo hướng thực hiện nhiệm vụ lịch sử dài hạn của họ, đó là trở thành một siêu cường hoàn thiện, thay vì vội vã đòi mở rộng lãnh thổ.
Trong khi đó, Mỹ đặc biệt chú ý đến Đài Loan (Trung Quốc), có lẽ còn hơn cả Ukraine. Vùng lãnh thổ Đài Loan tuy nhỏ bé về diện tích nhưng lại có GDP lớn gấp 3 lần Ukraine. Đài Loan cũng là một trung tâm công nghệ thông tin tầm cỡ toàn cầu. Đích thân Tổng thống Joe Biden đã khẳng định Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu có biến cố.
Kết luận
Mỹ dường như vẫn coi trọng các điểm nóng ở Đông Á hơn Đông Âu, với chính sách xoay trục sang châu Á và đường lối coi trọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự và phải căng thẳng về ngoại giao với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc sẽ có nhiều thứ để mất về kinh tế hơn so với Nga.
Xét trong hoàn cảnh này, khả năng Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự ở Đông Á để giải quyết các vấn đề của họ là rất thấp. Có thể, họ sẽ dùng các biện pháp mềm, phi quân sự để đạt được mục tiêu của mình./.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết