Mỹ một mặt muốn kiểm soát chặt chẽ hoạt động các Big Tech ở trong nước, nhưng vẫn coi họ là tấm lá chắn ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở bên ngoài.
Tháng 2 năm nay, Ukraine đã thông qua điều luật cho phép các công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lưu trữ dữ liệu của chính phủ ở nước ngoài, sau đó ký hợp đồng với Amazon Web Services, Microsoft, Oracle và Google.
Nhiều ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, tên lửa đã phá hủy một trung tâm dữ liệu ở Kiev. “Mọi dữ liệu sao lưu đã được chuyển trước sang các nước châu Âu khác nên không có tổn thất nào”, ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine, cho biết.
Nhóm ” Big Tech ” – những công ty lớn nhất và thống trị nhất trong ngành công nghệ thông tin của Mỹ – đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng tăng do tầm ảnh hưởng của họ tới thị trường và cuộc sống người dân. Nhưng cùng lúc, họ đang trở thành một tài sản quan trọng của phương Tây trong việc đối phó với Nga và Trung Quốc.
Không giống như các nước khác ở châu Âu, Ukraine không hề có dị nghị gì với Big Tech. Nước này thậm chí còn trao giải thưởng hòa bình cho Google vì đã giúp bảo mật hệ thống máy tính của Ukraine trước các đòn tấn công mạng của Nga. Kiev sau đó còn trao cho Amazon Web Services (AWS) và Microsoft những phần thưởng tương tự.
Trong một cuộc phỏng vấn ở Davos, Thụy Sĩ vào tháng 5 năm nay, ông Fedorov nói rằng công nghệ có 2 mô hình hệ tư tưởng. Thứ nhất, “dữ liệu là tài sản của chính người dân. Thứ hai, dữ liệu là tài sản của nhà nước. Vế thứ hai, các bạn có thể tìm thấy ở Nga và Trung Quốc”. Ukraine đang theo vế thứ nhất, và điều đó được phản ánh bên trong các công ty mà họ làm ăn cùng, ông nói.
Công nghệ thường được xem là phi chính trị: ví như chip bán dẫn ở Mỹ hay ở Trung Quốc thì cũng được sử dụng như nhau. Nhưng cách mà các công ty công nghệ, đặc biệt là trong ngành dịch vụ như điện toán đám mây hay mạng xã hội, vận hành lại có thể phản ánh giá trị và luật pháp ở nước sở tại của họ.
Ví dụ, các công ty mạng xã hội như YouTube của Google, Facebook của Meta Platforms thường xuyên bị thúc ép phải gỡ một số nội dung nhất định, nhưng lại hiếm khi được chính phủ Mỹ chỉ đạo làm như vậy. Khi bị chính phủ các nước ngoài yêu cầu gỡ một nội dung nào đó, các công ty này thường phản kháng.
Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ yêu cầu Twitter gỡ một số bài đăng có nội dung phản đối chính sách nông nghiệp của họ.
Khi Twitter không đồng ý, chính phủ Ấn Độ phản ứng bằng cách khuyến khích người dùng chuyển sang dùng Koo, một nền tảng blog cạnh tranh với Twitter trên thị trường Ấn Độ. Đồng sáng lập của Koo cho hay, họ tin tưởng vào việc hợp tác với chính quyền và các nhà quản lý để gỡ bỏ nội dung khi được yêu cầu.
Google cũng đã bị Nga xử phạt tiền vì không chịu gỡ nội dung, ví dụ về cách mà Nga gọi cuộc chiến ở Ukraine. Ngược lại, Yandex, hãng cạnh tranh đến từ Nga, không đăng tải nội dung từ các nguồn không được phê duyệt.
Khi Google gỡ bỏ nội dung, họ công khai luôn cả đề nghị gỡ bỏ này trong báo cáo thường lệ của mình. Sự minh bạch như vậy là hiếm thấy ở bên ngoài nước Mỹ, Shreya Tewari đến từ Dự án Lumen (ĐH Harvard) chuyên thúc đẩy sự minh bạch về gỡ bỏ nội dung số, cho hay. Bà nói rằng sự minh bạch này góp phần thúc đẩy sự phát triển của Internet “của nước Mỹ trong môi trường của Tu chính án Thứ nhất và cam kết tự do ngôn luận”.
Tuy nhiên, Mỹ không phải là không có lùm xùm liên quan tới bảo vệ dữ liệu. Cựu nhân viên kỹ thuật của CIA, Edward Snowden , từng phanh phui việc chính quyền Mỹ tiếp cận được thông tin của người nước ngoài thông qua các công ty của Mỹ, và đó là một trong những lý do mà Trung Quốc tự phát triển ngành công nghiệp điện toán đám mây của mình.
Trong khi đó, các công ty của Trung Quốc lại chưa thể vươn mình ra tầm thế giới: Ví dụ, tập đoàn Alibaba Group Holding kiểm soát 34% thị trường điện toán đám mây ở Trung Quốc, nhưng chỉ 4% ở phần còn lại của thế giới, theo hãng Synergy Research.
John Dinsdale, giám đốc nghiên cứu tại Synergy, nói rằng Trung Quốc không có mức độ “an ninh riêng tư và cá nhân mà phần còn lại của thế giới kỳ vọng. Có điều khá rõ ràng nữa, là chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp vào các thị trường hay công ty tư nhân nếu như họ cảm thấy cần phải làm vậy.”
Theo ông, điều này gây khó chịu cho các khách hàng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, bởi đối với họ “quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu là những quy tắc rất cơ bản”.
‘Vũ khí’ Big Tech
Trong những ngày sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, AWS đã sử dụng một vài thiết bị lưu trữ có kích thước bằng chiếc vali có tên gọi là “cầu tuyết” (Snowball) để nhanh chóng tải về và lưu trữ dữ liệu của chính phủ Ukraine – từ các giấy tờ sở hữu đất đai cho tới ghi chép về thuế – chuyển nó tới nơi an toàn và sau đó tải dữ liệu này lên đám mây.
Liam Maxwell, người đã tham gia hoạt động này, nói rằng ông không biết hiện giờ lượng dữ liệu đó đang ở đâu. “Nó ở nơi mà Ukraine muốn. Những người cần phải biết cũng biết.”
AWS cũng tăng cường bảo vệ dữ liệu khách hàng khỏi những bên dòm ngó, bằng mã hóa và các vi mạch sao cho các chức năng được sử dụng bởi AWS và chức năng được người dùng sử dụng được tách biệt, Maxwell nói.
Nhưng một trong số những tính năng giúp AWS có lợi thế cạnh tranh nhất lại không phải là công nghệ, mà đó là: sự thượng tôn pháp luật ở Mỹ và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ liên quan tới hoạt động quản lý dữ liệu của các nhà cung cấp của Mỹ, theo ông Maxwell. Đây chính là “lợi thế to lớn của bất kỳ một công ty Mỹ nào đang hoạt động trong không gian này”.
Điều này cũng gây cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhiều sức ép khá mâu thuẫn: kiềm chế Big Tech để họ không lạm dụng tính cạnh tranh và trung lập về nội dung ở trong nước, nhưng vẫn coi họ là tấm lá chắn ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở bên ngoài.
Một nhóm các cựu quan chức thời chính quyền Donald Trump mới đây cảnh báo về một số đề xuất buộc các công ty này phải công khai kho ứng dụng và nền tảng cho người ngoài.
“Các đối thủ của chúng ta sẽ hoan nghênh những hành động có thể làm giảm sức mạnh của ngành công nghệ mà chính phủ liên bang đưa ra,” họ viết.
Nếu Mỹ sắp sửa hợp tác với các nước khác chia sẻ chung các giá trị với họ về cách mà “dữ liệu được thu thập, sử dụng, phân tích, chúng tôi sẽ muốn các công ty Mỹ ở các thị trường thứ ba và hỗ trợ thực thi quy trình đó,” Adam Segal, đồng tác giả của một bản báo cáo của Hội đồng Đối ngoại về chính sách không gian mạng, nói.
Những ưu tiên này cũng đang tìm đường vào chính sách thương mại của Mỹ. Chính quyền Trump từng đàm phán về dòng chảy dữ liệu tự do xuyên biên giới trong các thỏa thuận thương mại với Mexico, Canada và Nhật Bản; trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đang muốn làm tương tự trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF) với 13 quốc gia châu Á.
Giá cả, đặc tính và độ tin cậy sẽ là những nhân tố chính quyết định xem công nghệ của bên nào sẽ giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh giành tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Tập đoàn Huawei Technologies của Trung Quốc cung cấp vô số trang thiết bị viễn thông cho Ukraine. Nhưng ông Fedorov nói rằng Ukraine đang thảo luận với hãng Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan về việc xây dựng mạng 5G.
Thụy Điển và Phần Lan đều ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến, trong khi Trung Quốc ủng hộ Nga. “Chúng tôi đang hợp tác với nhiều công ty và nhiều quốc gia chia sẻ các giá trị chung,” ông nói.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết