Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) yêu cầu các hãng xe công nghệ khi áp dụng chính sách mới phải minh bạch và công khai thông tin để người tiêu dùng lựa chọn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết sau khi xem xét và rà soát báo cáo của hãng xe công nghệ Grab, đơn vị này dừng không áp dụng các khoản thu phụ phí và trả hết tiền cho tài xế như cam kết.
Cơ quan này cũng đã làm việc với các bên liên quan, trong đó có yêu cầu Grab làm việc bên cạnh việc có báo cáo, tìm hiểu và thu thập thông tin nhằm làm rõ sự việc.
Theo đó, Grab đã thông báo áp dụng “phụ phí nắng nóng” với nhiều dịch vụ tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số khu vực khác tại Việt Nam kể từ ngày 6-7. Kết quả sau kiểm tra cho thấy, Grab khẳng định 100% nguồn thu (sau thuế) từ “phụ phí nắng nóng” được dành cho đối tác tài xế của Grab.
Tuy nhiên, do vấn đề về thiết lập hệ thống, đặc biệt là trong việc tự động tách bạch và phân chia doanh thu để có thể hạch toán 100% nguồn thu (sau thuế) từ phụ phí này cho đối tác tài xế, nên Grab đã ngừng áp dụng “phụ phí nắng nóng” kể từ ngày 7-7-2022.
Tính đến hết ngày 29-7-2022, Grab đã hoàn tất việc chuyển toàn bộ nguồn thu từ “phụ phí nắng nóng” (sau khi đã trừ thuế giá trị gia tăng) cho các tài xế.
Cơ quan cạnh tranh cho rằng trường hợp “phụ phí nắng nóng” hoặc các loại phí, phụ phí khác do Grab áp dụng nếu được cộng trực tiếp vào giá cước sẽ làm thay đổi tổng cước phí mà người tiêu dùng phải trả, do đó phải được thông báo đầy đủ, rõ ràng cho người tiêu dùng trước khi áp dụng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Qua sự việc của Grab, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến nghị Grab thông báo rõ ràng cho đối tác tài xế về cơ chế phân chia nguồn thu từ các loại phí, phụ phí và thiết lập hệ thống đảm bảo tự động tách bạch và phân chia nguồn thu từ các loại phí, phụ phí đó trước khi áp dụng.
Đồng thời hãng xe công nghệ này phải thông báo về việc áp dụng, điều chỉnh, hủy bỏ chính sách giá, phí, phụ phí và các điều kiện giao dịch chung khác cho người tiêu dùng trước khi thực hiện giao dịch.
Trong đó, nội dung thông báo phải đảm bảo yêu cầu đầy đủ, rõ ràng và dễ hiểu theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn hàng hóa, dịch vụ hoặc quyết định tham gia giao dịch.
Nhằm duy trì môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tương tự như dịch vụ của Grab rà soát chính sách, hoạt động kinh doanh và cạnh tranh, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết