Nhiều người thích nước tăng lực bởi chúng vừa có thể làm dịu cơn khát, vừa giúp tinh thần phấn chấn. Đáng tiếc, đây là loại nước dễ gây đột tử, không bổ dưỡng như nhầm tưởng.
Cách đây không lâu, Tạp chí British Medical Journal đưa tin, thanh niên 21 tuổi uống 4 lon nước tăng lực mỗi ngày. Sau 2 năm, sức khỏe người uống ảnh hưởng nặng nề, mỗi khi gắng sức, bệnh nhân cảm thấy khó thở, thở gấp. Tình trạng ngày càng xấu khiến bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu.
Đồ uống chức năng có thể chia làm ba loại gồm đồ uống thể thao, nước tăng lực và các loại đồ uống có tác dụng đối với sức khỏe. Chức năng chính của đồ uống chức năng là chống mệt mỏi và bổ sung năng lượng, không nhằm mục đích chữa bệnh.
Trong khi đó, Hiệp hội Dinh dưỡng Thể thao Quốc tế đưa ra khái niệm về nước tăng lực là loại nước chứa các thành phần chung như nước, carbohydrate (glucose, sucrose, maltodextrin…), vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, nước tăng lực có thể chứa các thành phần đặc biệt khác như caffeine, taurine, axit amin…
Thông thường, tiêu thụ lượng caffeine (tối đa 300mg mỗi ngày) phù hợp sẽ giúp cơ thể tỉnh táo, tập trung hơn. Thế nhưng, tiêu thụ quá nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc caffeine, mất ngủ, đau đầu, bứt rứt, khó chịu đường tiêu hóa, tim đập nhanh, run cơ và nhiều triệu chứng khó chịu khác. Thậm chí, ngộ độc caffeine nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo tính toán, uống một lon nước ngọt sẽ không đạt đến lượng gây ngộ độc caffeine. Tuy vậy, nếu chúng ta uống nước tăng lực hàng ngày hoặc quá nhiều một lúc có thể gây ra các triệu chứng khó chịu.
Ngoài thành phần caffeine, nước tăng lực còn chứa nhiều thành phần khác ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Vậy nhưng, nghiên cứu chưa có đủ bằng chứng chỉ ra mức độ ảnh hưởng của những thành phần này đối với cơ thể.
Trẻ em, thanh thiếu niên dưới 16 tuổi tốt nhất nên hạn chế nước tăng lực. Đây là giai đoạn cơ thể phát triển mạnh, dùng đồ uống chức năng quá nhiều có thể gây rối loạn điều chỉnh. Tương tự, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, người nhạy cảm với caffeine cũng không nên uống loại nước này.
Ở nhiều nơi, người ta dùng rượu và nước tăng lực để pha cocktail. Pha chế giúp đồ uống hấp dẫn hơn song không được khuyến khích dùng nhiều. Về bản chất, rượu là đồ uống chứa chất kích thích, kết hợp với nước tăng lực càng dễ gây ra các triệu chứng khó chịu. Mặt khác, cocktail có hương vị thơm ngon, dễ khiến người dùng có nhu cầu uống nhiều hơn.
Ngoài nước tăng lực, chuyên gia sức khỏe nhấn mạnh tiêu thụ nhiều đồ uống chứa đường và caffeine cũng không tốt cho tim mạch. Nghiên cứu công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho thấy, chỉ năm 2017, gần 13.000 trường hợp tử vong do bệnh tim mạch vành và tiểu đường ở nước này có liên quan đến đồ uống ngọt.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết