Đây là loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng chúng có thể tăng 29% nguy cơ ung thư ở nam giới nếu tiêu thụ quá thường xuyên.
Tất cả chúng ta đều biết rằng thực phẩm chế biến sẵn không phải là lựa chọn tốt cho sức khỏe thế nhưng đây là món ăn yêu thích của rất nhiều người. Mới đây, 3 nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng thực phẩm chế biến nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ tử vong và làm suy giảm sức khỏe tâm thần của con người nếu tiêu thụ quá nhiều.
Có rất nhiều loại thực phẩm bạn có thể lựa chọn cho mỗi bữa ăn của gia đình. Trái cây và rau củ hiển nhiên là những lựa chọn có lợi cho sức khoẻ và tuổi thọ. Ngược lại, có những thực phẩm có thể cung cấp cho chúng ta nhiều calo nhưng trên thực tế, chúng không có giá trị về mặt dinh dưỡng.
Các loại thực phẩm có thể được chia thành:
Thực phẩm toàn phần: Là thực phẩm còn nguyên vẹn, chưa qua chế biến hoặc được chế biến một cách tối thiểu. Ví dụ yến mạch cắt nhỏ (chưa qua chế biến) và yến mạch đã được hấp chín, sấy khô và cán mỏng (đã chế biến 1 phần để thuận tiện hơn cho quá trình sử dụng). Đặc điểm của thực phẩm toàn phần là các thành phần dinh dưỡng trong đó vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Các thực phẩm toàn phần có thể kể tới là trái cây, rau củ, các loại ngũ cốc nguyên hạt, cá tươi, thịt tươi,…
Thực phẩm đã qua chế biến: Là những thực phẩm đã qua một số quá trình chế biến và thay đổi trạng thái so với loại tự nhiên. Trong quá trình chế biến, các loại thực phẩm này có thể được thêm chất phụ gia như muối hoặc đường. Một số loại thực phẩm đã qua chế biến có thể kể tới là nước trái cây, bột mì tinh chế, đậu, cá đóng hộp, bánh mì tươi, pho mát và thậm chí cả rau củ cắt sẵn.
Thực phẩm chế biến nhiều lần: Thực phẩm chế biến nhiều lần hầu hết được làm từ các chất chiết xuất từ thực phẩm, chẳng hạn như chất béo, tinh bột, đường bổ sung và chất béo hydro hóa. Chúng cũng có thể chứa các chất phụ gia như màu sắc và hương vị nhân tạo hoặc chất ổn định. Thực phẩm chế biến nhiều lần gồm kẹo, bánh quy, nước ngọt, ngũ cốc ăn sáng có đường và các loại bột pha sẵn, pizza đông lạnh, kem,…
Điều ra xảy ra nếu tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến nhiều lần?
Một nắm nhỏ khoai tây chiên hoặc một chiếc bánh quy mua ở cửa hàng sau bữa tối sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với sức khoẻ tổng thể. Tuy nhiên, nếu những thực phẩm này là món ăn chính trong chế độ ăn uống thì có thể gây ra những tác động xấu tới sức khỏe thể chất và tâm thần.
Suy giảm sức khỏe tâm thần
Một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Dinh dưỡng Y tế Công cộng cho thấy những người tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến nhiều lần có nhiều khả năng bị trầm cảm nhẹ, hay bị lo lắng và suy giảm dần sức khỏe tâm thần.
Các tác giả của nghiên cứu lưu ý điều này có thể bắt nguồn từ việc sử dụng quá nhiều chất phụ gia thực phẩm có hoạt tính sinh học để chế biến thực phẩm trong khi hàm lượng dinh dưỡng thiết yếu lại quá thấp.
Tăng nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân
Dữ liệu thu được từ ba nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), cho thấy nam giới tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm chế biến nhiều lần có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 29% so với những nam giới tiêu thụ ít hơn loại thực phẩm này. Những nam giới tiêu thụ lượng thực phẩm chế biến nhiều lần cao nhất thường tiêu thụ các sản phẩm chế biến sẵn từ thịt gia cầm hoặc cá. Một nghiên cứu khác gần đây trên BMJ cho thấy thực phẩm được chế biến nhiều lần có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn, đặc biệt do bệnh tim mạch.
Một trong ba nghiên cứu này được thực hiện tại Mỹ. Các nhà khoa học đã khảo sát chế độ ăn của hơn 200.000 nam giới và phụ nữ trong 28 năm. Qua đó, họ đã tìm được mối liên quan giữa thực phẩm chế biến nhiều lần và ung thư đại trực tràng – một loại ung thư phổ biến hơn ở nam giới người Mỹ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, các thực phẩm đã qua chế biến hoặc chế biến nhiều lần như thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, thịt bò muối, từ lâu đã được cho là có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng ở cả nam giới và nữ giới.
Có cần loại bỏ hoàn toàn thực phẩm chế biến nhiều lần khỏi chế độ ăn?
Trong cuộc sống, chúng ta không thể hoàn toàn tránh dùng các thực phẩm đã chế biến nhiều lần. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Thêm vào đó, cần phải biết đánh giá mức độ chế biến của một loại thực phẩm. Ví dụ, một chiếc bánh mì kẹp thịt được làm ở nhà sẽ khác với chiếc bánh mì kẹp thịt đông lạnh trong cửa hàng tạp hoá và chiếc bánh mì kẹp thịt mua từ một cửa hàng thức ăn nhanh. 3 chiếc bánh mì này có thể được chế biến rất khác nhau.
Các dữ liệu gần đây về thực phẩm chế biến nhiều lần cho thấy mức độ tiêu thụ càng nhiều thì nguy cơ bệnh tật càng lớn. Do đó, hãy tiêu thụ các loại thực phẩm này ít nhất có thể. Bạn có thể áp dụng quy tắc 85-15: 85% chế độ ăn uống là các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và 15% còn lại cho các loại thực phẩm khác. Đây là cách chúng ta bắt đầu một chế độ ăn uống lành mạnh bền vững – dù chưa phải là hoàn hảo.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết