Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm phòng vắc xin, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong quý II; xây dựng kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới với biến thể mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Vắc xin là vũ khí chiến lược, là lá chắn quan trọng nhất
Ngày 9/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 – chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rõ, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đạt kết quả tích cực trên hầu hết lĩnh vực, yên tâm mở cửa lại trường học, du lịch phù hợp với tình hình. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực tế, hiệu quả.
Nhắc tới các nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng đề nghị theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước, bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; Kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự đoán được, như virus có khả năng thích ứng với vắc xin hoặc có thể xuất hiện các biến thể mới, dịch bệnh có nguy cơ phức tạp, khó lường hơn.
Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị lớn…; tập trung kiểm soát rủi ro, các ca chuyển nặng và tử vong; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động về thuốc; đề cao ý thức người dân.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu triển nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023) theo Nghị quyết 38 của Chính phủ với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, bao gồm tình huống có biến thể mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị nguồn lực thực hiện chương trình.
Nhấn mạnh nhiệm vụ tiêm vắc xin, Thủ tướng nói rõ, kinh nghiệm cho thấy, vacicne vẫn là vũ khí chiến lược, là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin cho các đối tượng chỉ định; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong tháng 4. Đẩy nhanh việc cung ứng vắc xin, quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc tiêm phòng cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong quý II, đảm bảo an toàn cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè và bước vào năm học mới.
Tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng chỉ định, nhất là các đối tượng rủi ro cao, vì hiệu quả miễn dịch của vắc xin suy giảm theo thời gian. Bộ Y tế phải đảm bảo đủ vắc xin, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả. Vận động, tuyên truyền nhân dân và thực hiện các phương án khác để thực hiện mục tiêu đề ra.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là tự chủ về thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, kit xét nghiệm để chuẩn bị cho tình huống có biến thể mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc trong nước trên tinh thần bám sát các quy định của pháp luật, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng bảo đảm về chuyên môn, khoa học. “Không để bị động, bất ngờ về vắc xin, thuốc chữa bệnh, vật tư, sinh phẩm y tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào” – Thủ tướng phát biểu.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào y tế
Về công việc cụ thể của từng bộ, ngành, Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 về kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới, biến thể mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn.
Phát huy thành quả, khắc phục các hạn chế để xây dựng, hoàn thành cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê liên quan tới phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, chính xác, khách quan.
Bộ Y tế cần nhanh chóng hướng dẫn việc tiêm vắc xin mũi tiếp theo. Ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn, quy định về chuyên môn y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế – xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, kiến nghị chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư y tế. Bộ Tài chính đảm bảo bố trí ngân sách đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi nói chung và thuộc chương trình phòng, chống dịch nói riêng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch. Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vụ việc vi phạm theo tinh thần thượng tôn pháp luật; thời gian tới, cần quan tâm việc hướng dẫn, bên cạnh đó tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương tăng tốc tiêm vắc xin cho học sinh, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, hậu cần phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo mở cửa trường học an toàn, thông suốt, hiệu quả; thiết lập kênh tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý cho trẻ em, nhất là những em gặp sang chấn tâm lý.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí an toàn; phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể về quản lý, chăm sóc, điều trị F0 là người đi du lịch (trong nước và quốc tế) để đảm bảo dịch vụ du lịch thân thiện, an toàn; phối hợp với các cơ quan rà soát các chính sách visa, du lịch để phục hồi và phát triển mạnh lĩnh vực này; chuẩn bị các điều kiện tổ chức SEA Games 31 an toàn, hiệu quả, thành công.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương tổ chức hiện Nghị quyết số 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm của NLĐ, vừa phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững, vừa bảo đảm sức khỏe người dân, người lao động;
Tiếp tục làm tốt hơn công tác bảo đảm an sinh xã hội, khẩn trương tổng kết, đánh giá các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét các chính sách hỗ trợ trong trường hợp cần thiết;
Theo dõi chặt chẽ để kịp thời có phương án hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động, đẩy nhanh phục hồi thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thủ tướng nhắc lại, đợt bùng phát dịch thứ 4 bắt đầu vào tháng 4.2021. Tháng 4 năm nay, muốn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không để dịch bùng phát, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, phương án để nếu có tình huống xảy ra thì không bị động, bất ngờ.
Lifehub tổng hợp