Khách nước ngoài thích thú đúc kết những điều hay học được khi ở Việt Nam.
Sau một thời gian sống tại Việt Nam, cây bút người Canada của trang Cuture Trip đã có bài viết về những thói quen nhiều người sẽ học được khi sống ở Việt Nam. Sau đây là bản dịch bài viết của anh:
Sống ở Việt Nam sẽ thay đổi con người bạn. Những người nước ngoài sống ở Việt Nam cuối cùng đều có ít nhất một vài thói quen của người Việt. Một số thói quen trong số này khá hữu ích nhưng cũng có một số thói quen được cho là khá liều lĩnh.
Dùng âm lượng lớn để gọi người phục vụ
Đây là một thói quen lạ đối với nhiều người nước ngoài. Ở một số hàng quán vào thời điểm vắng, khách người phục vụ có thể tới ngay chỗ của khách khi khách ra kí hiệu bằng tay chứ chưa cần tới lời nói. Tuy nhiên, vào những lúc đông khách, người phục vụ sẽ cần khách hàng hô lớn để có thể xác định được vị trí khách ngồi đâu cũng như khách cần gì.
Thường sẽ mất một khoảng thời gian khá dài để mọi người có thể sẵn sàng tăng dần âm lượng khi gọi người phục vụ bằng câu “em ơi”.
Gọi taxi
Ở hầu hết các nơi trên thế giới, người ta gọi taxi bằng cách giơ tay lên trời. Cách đó đôi lúc cũng có hiệu quả nhưng không phải quá phổ biển ở Việt Nam. Thường người Việt sẽ vẫy tay như chim vẫy cánh. Và khi bạn “tiếp thu” thói quen này, bạn sẽ không thể bỏ nó.
Đồ ăn sao đắt vậy?
Sau một thời gian sống ở Việt Nam, khi quay trở về đất nước của mình, có thể bạn sẽ khá sốc và cảm thấy “đau ví” khi phải trả tiền sau mỗi bữa ăn. Bạn sẽ phải làm quen với việc 5 USD ở nước bạn chỉ mua được 1 cốc bia trong khi 5 USD ở Việt Nam, bạn sẽ uống bia hơi thỏa thích trong cả buổi tối. Bia hơi ở Việt Nam được nhiều khách nước ngoài mệnh danh là loại bia rẻ nhất thế giới.
Chỉ uống khi đi cùng “hội”
Khi người Việt Nam uống bia, rượu, họ thường uống theo nhóm và uống cùng nhau. Nếu ai đó nói câu đùa gì vui hay cả nhóm muốn chúc mừng một người nào đó, họ sẽ cùng nhau nâng cốc, hô lớn “Một, hai, ba, dô!”.
Việc uống bia ở Việt Nam mang tính cộng đồng rất cao. Vậy nên khi rời Việt Nam, có lẽ bạn sẽ cảm thấy lấn cấn khi nâng cốc uống bia một mình mà không mời hay chúc cả nhóm.
Ăn bằng đũa ngay cả khi có nĩa
Kỹ năng cầm đũa là rất cần thiết khi ở Việt Nam. Nếu chưa quen, bạn có thể dùng thìa. Tuy nhiên nếu không thể dùng nĩa, sẽ rất khó khi bạn ăn những món dạng sợi như mì, bún, phở. Trong khi đó, rất nhiều món ngon ở Việt Nam lại chính là đồ dạng sợi thế này.
Sau một thời gian làm quen, bạn sẽ thấy thoải mái và đối với nhiều người, sự tiện lợi của đũa thuyết phục người ta một cách ngoạn mục đến nỗi, người ta sẽ chẳng muốn quay lại dùng nĩa nữa.
Không quan tâm đến gián
Lần đầu tiên nhìn thấy gián khi tới Việt Nam có lẽ sẽ là một trải nghiệm không mấy dễ chịu với nhiều người. Ban đầu, mọi người có thể sẽ la hét, thậm chí nhiều người có thể quăng đồ đạc. Tuy nhiên, sau khi ở đây một thời gian, gián sẽ không làm phiền được bạn nữa. Có lẽ là bởi bạn sẽ quen dần với việc gặp gián và sẽ không còn quá bất ngờ hay sợ hãi nữa.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều người ở Việt Nam nhiều năm, họ sẽ chẳng có cảm xúc gì khi nhìn thấy gián.
Đi loại giày dép nào cũng có thể lái xe máy
Trước khi nói điều này, tôi cũng muốn lưu ý rằng việc đi xép xỏ ngón khi lái mô tô là rất không an toàn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp trời mưa lớn, ngập đường, nhiều người sẽ lựa chọn đi dép khi di chuyển bằng xe máy, bởi thực sự không ai muốn giày của mình ướt sũng.
Quan sát xe cộ khi sang đường
Kĩ năng sang đường là một kĩ năng rất quan trọng khi ở Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn, khi mật độ giao thông dày đặc. Bạn cần phải sang đường vào đúng vạch quy định và hơn thế nữa, vừa đi bạn vừa cần phải quan sát rất cẩn thận 2 bên đường.
Đây là một kĩ năng rất có ích mà người nước ngoài có thể học được khi tới Việt Nam.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết