Các cơn bão thường được đặt những cái tên rất quen thuộc, như tên người, tên loài vật, hiện tượng: Alex, Nigel hay Noru. Vì sao chúng lại được đặt tên như vậy?
Bão được đặt tên như thế nào?
Ủy ban Bão tại Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc (WMO) là cơ quan quyết định thông qua danh sách tên bão nhiệt đới trong các cuộc họp thường niên.
Ủy ban không chỉ lựa chọn dựa trên những tên người cụ thể mà thường là những cái tên phổ biến và quen thuộc với người dân ở các khu vực có bão. Những cái tên đó không mang ý nghĩa hạ thấp mức độ nghiêm trọng của một cơn bão. Thay vào đó, chúng nhằm mục đích gọi tên các cơn bão dễ dàng hơn.
Khi một cơn bão nhiệt đới có tốc độ gió duy trì tối đa hơn 63 km/h, WMO sẽ tiến hành đặt tên. Các cơn bão sẽ được đặt tên luân phiên theo danh sách đề xuất.
Các tên được lựa chọn bởi cơ quan phụ trách bão nhiệt đới chịu trách nhiệm cho mỗi khu vực bao gồm Trung tâm Khí tượng Khu vực (RSMC) và Trung tâm Cảnh báo Bão Nhiệt đới (TCWC). Có tổng cộng 6 RSMC trên thế giới.
WMO chọn những cái tên ngắn gọn, riêng biệt của con người – chẳng hạn như Alex, Nigel và Sara – cho các cơn bão trên lưu vực Đại Tây Dương vì chúng dễ gọi và dễ nhớ hơn so với nhiều tên mang tính đặc thù khoa học kèm cả kinh độ và vĩ độ.
Một lý do nữa là có nhiều cơn bão hoạt động cùng lúc, nên đặt tên bão dựa trên ngày tháng cũng có thể gây nhầm lẫn.
Vào cuối những năm 1800, bão thường được đặt theo tên của các vị thánh Công giáo. Năm 1953, bão được đặt theo tên phụ nữ vì các con tàu cũng thường đặt theo tên phụ nữ. Năm 1979, tên nam giới được thay thế. Và đến ngày nay, tên bão mới được đặt theo hệ thống cụ thể.
WMO và Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc về Châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) bắt đầu đặt tên cho các cơn bão từ năm 2000, với sự tham gia của các quốc gia là Bangladesh, Ấn Độ, Maldives, Myanmar, Oman, Pakistan, Sri Lanka và Thái Lan.
Năm 2018, thêm năm quốc gia được thêm vào – Iran, Qatar, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Yemen. Sau khi các quốc gia nói trên gửi đề xuất, WMO/ESCAP sẽ hoàn thiện danh sách.
Vào tháng 4/2020, cơ quan này đã công bố danh sách 169 tên bão được đề xuất từ các quốc gia nói trên.
Tiêu chí đặt tên
Tên được đề xuất phải trung lập với chính trị và các nhân vật chính trị, tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa và giới tính. Tiêu chí thứ hai là không gây xúc phạm đến bất kỳ nhóm người nào trên thế giới. Bản chất cái tên không mang ý nghĩa hung hãn, độc ác. Tên phải ngắn gọn, dễ phát âm và không gây khó chịu cho bất cứ ai, cũng như có tối đa tám chữ cái và được nêu rõ cách phát âm.
Đặc biệt, tên của bão nhiệt đới ở vùng bắc Ấn Độ Dương sẽ không được lặp lại.
Có các hệ thống đặt tên bão nhiệt đới khác nhau theo từng lưu vực và chúng không chỉ dựa trên tên của con người. Ví dụ, các cơn bão nhiệt đới ở tây Bắc Thái Bình Dương và Bắc Ấn Độ Dương chủ yếu được đặt tên theo hoa, động vật, cây cối, thực phẩm và các từ mô tả khác.
Cơn bão Okhi, xuất hiện vào tháng 11/2017, được đặt tên bởi Bangladesh, có nghĩa là Con mắt trong tiếng Bengali. Vào ngày 13/6/2019, bão Vayu đổ bộ vào bờ biển Gujarat. Nó được đặt tên bởi Ấn Độ và có nguồn gốc từ tiếng Phạn và tiếng Hindi có nghĩa là Gió. Bão Tauktae được Myanmar đặt tên theo một loài bò sát.
Các khu vực Biển Caribe, Vịnh Mexico và Bắc Đại Tây Dương thường sử dụng tên theo danh sách có chu kỳ 6 năm, sau đó chúng lặp lại. Ví dụ, các tên được sử dụng trong mùa bão năm 2022 sẽ giống nhau vào năm 2028.
Mỗi mùa, tên các cơn bão trên lưu vực Đại Tây Dương được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Ví dụ, cơn bão đầu tiên được đặt tên vào năm 2023 (và 2029) ở phía đông Bắc Thái Bình Dương sẽ được gọi là Adrian, cơn bão thứ hai sẽ là Beatriz và cơn bão cuối cùng sẽ là Zelda. Một số chữ cái bị loại trừ vì quá khó để tìm tên phù hợp.
James Marshall Shepherd, giám đốc chương trình khoa học khí quyển tại Đại học Georgia, lưu ý rằng việc đặt tên một cơn bão cũng mang đến cho công chúng sự ấn tượng. Shepherd nói: “Khi nhắc đến Katrina, những người Mỹ sẽ biết ngay cơn bão đó tồi tệ như thế nào”.
Bão Katrina là một trong những cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ. Khi đổ bộ vào năm 2005, thảm họa này đã khiến 1.800 người thiệt mạng, cùng với hàng loạt thiệt hại về nhà cửa.
“Việc đặt tên không chỉ tạo ấn tượng sâu đậm về cơn bão sau nhiều năm, gửi thông điệp về sự tàn phá của nó hiệu quả hơn, mà còn là sự tham chiếu dài hạn để mọi người hiểu rằng một cơn bão tương đương như vậy sắp xảy ra”, Shepherd nói.
“Nếu một cơn bão đủ đáng kể về tổn thất hoặc sinh mạng hoặc tàn phá, thì cái tên đó sẽ bị loại khỏi danh sách 6 năm luân phiên đó. Vì lý do này, sẽ không có một cơn bão nào khác có tên Katrina”.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết