Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn tuyển dụng vị trí người đứng đầu của mảng metaverse (vũ trụ ảo) nhằm xây dựng lộ trình cho chương tiếp theo của Internet.
Gã khổng lồ quảng cáo Publicis Groupe SA đã giới thiệu một thành viên cấp cao tại một hội nghị công nghệ ở Paris hồi năm nay. Đó là Leon, một nhân vật ảo, có nhiệm vụ giúp đỡ các khách hàng lớn như như Walmart Inc., UBS Group AG và Nestle SA hiểu blockchain, NFTs và trải nghiệm internet phong phú hơn cũng như có thể tìm ra những công nghệ phù hợp với doanh nghiệp của họ.
Các chuyên gia tư vấn của McKinsey & Co. ước tính chi tiêu toàn cầu liên quan đến mảng vũ trụ ảo này có thể đạt tới 5.000 tỷ USD vào năm 2030.
Dù Leon không phải con người nhưng các công ty đang ngày càng đổ nhiều tiền cho những cá nhân bằng xương, bằng thịt để giúp họ khai phá lĩnh vực mới nổi này. Gã khổng lồ tiêu dùng Procter & Gamble Co., hãng viễn thông Tây Ban Nha Telefonica SA, nhà sản xuất hàng xa xỉ LVMH… đều quyết định rằng họ cần một giám đốc phụ trách mảng vũ trụ ảo.
Mặc dù sự suy thoái trong lĩnh vực công nghệ gần đây ảnh hưởng nặng nề đến những công ty hàng đầu như Meta Platforms Inc. và Roblox Corp. nhưng điều đó không ngăn được các công ty sử dụng hàng triệu USD để tuyển dụng các vị trí mới. Họ nghĩ rằng mình đang đầu tư để đón trước xu thế của tương lai.
Hiện nay, nhiều người cho rằng vũ trụ ảo sẽ có người dùng dù chưa ai biết chính xác chúng ta sẽ làm gì ở đó. Hamza Khan, một đối tác của McKinsey, cho rằng: “Các thương hiệu cần tiếp cận gần gũi hơn với khách hàng của họ và vũ trụ ảo là một kênh để hiện thực điều đó. So với giai đoạn đầu của thương mại điện tử, các thương hiệu đang hoạt động tích cực hơn nhiều”.
Tâm lý FOMO bao trùm
Áp lực bắt kịp xu hướng của tương lai luôn là điều kiện cho ra đời những chức vụ cấp cao mới. Trong những năm 1980, chúng ta từng chứng kiến sự nổi lên của vị trí giám đốc công nghệ thông tin cũng như sự phổ biến của nó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau đó, các giám đốc công nghệ đóng vai trò lớn hơn khi trở thành những nhà tư tưởng có tầm nhìn lớn, những người có thể đánh giá các công nghệ đang phát triển và cách chúng được sử dụng dài hạn.
Gần đây, các giám đốc kỹ thuật số đã tìm cách hiện đại hóa phương thức kinh doanh lỗi thời để công ty không bị động hay bị lu mờ bởi đối thủ nhanh nhẹn, hiểu biết hơn về công nghệ.
Các giám đốc vũ trụ ảo xuất hiện lần đầu tiên tại các doanh nghiệp phát hành game, nơi đưa người chơi chìm đắm trong thế giới số là trọng tâm của các sản phẩm mà họ tạo ra. Tuy nhiên, vai trò của các giám đốc vũ trụ ảo chỉ thực sự nổi bật khi blockchain được coi là xu hướng công nghệ của tương lai.
P&G đã ra mắt nền tảng kỹ thuật số có tên BeautySPHERE trong năm nay và mô phỏng lại quảng cáo truyền hình nổi tiếng trong những năm 1980 thành trò chơi điện tử. Nike Inc. đã mua một công ty giày thể thao ảo và tạo ra một thế giới được mô phỏng theo trụ sở của nó ngoài đời thực. Starbucks Corp. đang giới thiệu NFT theo chủ đề cà phê hoặc áp dụng tiền điện tử để thay thế các phương thức khác trong chương trình khách hàng thân thiết của họ…..
Tuy nhiên, rất ít trong số những thử nghiệm này kiếm được tiền. Ở thời điểm hiện tại, có thể các doanh nghiệp cũng không thấy phiền với điều đó. Họ nghĩ rằng họ đang đầu tư cho tương lai. Lịch sử cho thấy những doanh nghiệp lớn nhưng chậm thay đổi để bắt kịp xu hướng mới, thường có kết cục không mấy tốt đẹp.
Walmart có thể là một ví dụ. Cuối những năm 1990, khi thương mại điện tử ra đời, nhà bán lẻ này đã không coi trọng nó. Họ còn thuê bên ngoài lập trang web cho mình, chần chừ quảng bá cho thương mại điện tử vì lo ngại giảm doanh số bán hàng trực tiếp…. Việc trì hoãn đó đã mở ra cánh cửa mà Amazon.com khai thác thành công và trở thành một gã khổng lồ.
Những bài học của quá khứ đủ để tạo ra tâm lý FOMO vũ trụ ảo. Lo sợ trượt mất cơ hội khiến lãnh đạo các doanh nghiệp buộc phải hành động. Họ cũng có những mục tiêu đầy tham vọng với vũ trụ ảo nhưng biến mong muốn trở thành sản phẩm được người dùng đón nhận rõ ràng không phải điều dễ dàng.
Công việc của giám đốc vũ trụ ảo là gì?
Đầu tiên, một người có thể đảm trách cương vị này ít nhất phải có thể nói trôi chảy về thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường và cách áp dụng chúng vào hoạt động kinh doanh, tiếp thị của doanh nghiệp. Một người trong ngành tự mô tả mình là “người đứng giữa 2 thế giới”, bao gồm hiểu rõ thế giới thực và cách đưa thế giới thực vào thế giới ảo.
Tuy nhiên, đó không phải là công việc khó nhất. Những người được giao nhiệm vụ này phải “đập tan” những hoài nghi về vũ trụ ảo, từ chính nội bộ doanh nghiệp lẫn từ các khách hàng. Ngoài ra, họ cũng cần xây dựng quan hệ đối tác với bên ngoài. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp chọn cách lựa chọn chính những người có uy tín trong nội bộ để thúc đẩy xây dựng vũ trụ ảo.
Dẫu vậy, bài toán có vẻ không hề dễ dàng, ngay cả với những gã khổng lồ công nghệ. Meta, trước đây là Facebook, chọn đổi tên thương hiệu để nhấn mạnh sự xoay trục vào vũ trụ ảo. Mark Zuckerberg gọi đây là giới hạn tiếp theo của công nghệ. Dẫu vậy, hoạt động kinh doanh của Meta hiện đang gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư.
Cổ phiếu nhà sản xuất chip đồ họa Nvidia Corp., công ty muốn nền tảng Omniverse của mình phát triển vượt trội so với metaverse, cũng đã giảm hơn nửa chỉ trong năm nay do nhu cầu giảm. Roblox, nền tảng game cung cấp trải nghiệm sống động cho các thương hiệu bao gồm Gucci, Chipotle và Ralph Lauren… cũng hoạt động chẳng mấy hiệu quả.
Mùa đông tiền số đang đến, các sản phẩm NFT trở nên ế ẩm và các doanh nghiệp ngày càng tập trung hơn vào những gì giúp họ kiếm ra tiền. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái, dẫn tới việc đầu tư cho những mảng vừa không kiếm ra tiền, vừa chẳng ai hình dung được nó sẽ ra sao trong tương lai như vũ trụ ảo, sẽ chịu ảnh hưởng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết