Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại, trong đó, Bến Tre là địa phương đứng đầu với 11 ca tử vong.
“Hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do người bệnh không đi tiêm vắc-xin phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương. Người dân thường nghĩ rằng chó mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao. Đây là các quan niệm không đúng. Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc Đông y, hoặc đi lấy nọc sẽ dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong”.
THS.BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TP.HCM đã cho biết như vậy tại buổi thảo luận “Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống dại – Nâng cao nhận thức về dại, hướng tới mục tiêu không ai phải tử vong vì bệnh dại” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 5-10.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật nhiễm dại hoặc nghi bị dại cắn, phải được điều trị dự phòng bằng vắc-xin và có khoảng 59.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi triệu chứng xuất hiện, người nhiễm vi-rút dại có khả năng tử vong gần như 100%.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại, trong đó, Bến Tre là địa phương đứng đầu với 11 ca tử vong.
Bộ Y tế cho biết, trong hai năm 2020-2021, bệnh dại có xu hướng gia tăng rõ rệt tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Nam. Thời gian xảy ra rải rác vào các tháng trong năm, cao hơn vào các tháng nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 8).
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi-rút. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.
Virut dại chủ yếu tồn tại trên động vật có vú. Trong đó, 89,2% virut dại ở chó, ở mèo là 8,7%, còn lại là ở các động vật như chồn, cáo, dơi…
Tại Việt Nam, virut dại chủ yếu ở chó, mèo.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết