Dưới đây là những diễn biến quan trọng về tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 5/10/2022.
Mỹ có nguy cơ “xung đột trực tiếp” với Nga tại Ukraine: Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Konstantin Vorontsov hôm 4/10 nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho Ukraine đang tiến dần tới “lằn ranh nguy hiểm” trực tiếp đối đầu với Nga.
Ngay trước đó, Lầu Năm Góc công bố nội dung đợt vận chuyển thiết bị quân sự mới cho Ukraine, có giá trị tới 625 triệu USD.
Mỹ viện trợ bổ sung 625 triệu USD cho Ukraine: Gói viện trợ mới bao gồm vũ khí và thiết bị quân sự như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn dược và xe bọc thép.
Ngày 4/10, Tổng thống Mỹ – Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine – Volodymyr Zelensky nhằm nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ của Ukraine.
Mỹ: Ukraine có thể tấn công hầu hết mục tiêu của Nga: Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Nga, Ukraine và Á – Âu Laura Cooper ngày 4/10 cho biết Ukraine có thể tấn công hầu hết các mục tiêu của Nga bằng các vũ khí được phương Tây cung cấp hiện nay.
Trước câu hỏi tại sao Mỹ không cung cấp các vũ khí tầm xa như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) cho Ukraine, bà Laura Cooper cho biết, Ukraine có thể tấn công hầu hết các mục tiêu của Nga, bao gồm cả ở Crimea bằng những vũ khí hiện tại đang được Mỹ cung cấp như Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS) cùng Hệ thống pháo phản lực HIMARS.
Tổng thống Putin ký ban hành luật sáp nhập 4 vùng Ukraine vào Nga: Hôm 5/10, Tổng thống Nga Putin đã ký thành luật 4 hiệp ước sáp nhập 4 vùng của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye) vào lãnh thổ Nga.
Trước đó, vào ngày 30/9, Tổng thống Putin và người đứng đầu 4 vùng Ukraine ly khai đã ký các hiệp ước này. Vào ngày 2/10, Tòa án Hiến pháp Nga đã xác minh các hiệp ước này là hợp pháp. Ngày 3/10, Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) phê chuẩn các thỏa thuận đó. Ngày 4/10, Thượng viện Nga (Hội đồng Liên bang) cũng nhất trí thông qua các văn bản này.
Nga tiết lộ số người gia nhập quân đội sau sắc lệnh động viên một phần: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 4/10 cho biết, hơn 200.000 người đã gia nhập quân đội kể từ khi Tổng thống Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần.
Phát biểu với báo chí, ông Sergey Shoigu nêu rõ, kế hoạch huy động một phần đã hoàn thành được hơn 2/3, khoảng 2 tuần sau khi Tổng thống Putin kêu gọi tăng cường năng lực quân đội trong bối cảnh cuộc xung đột đang tiếp diễn tại Ukraine.
Theo ông Shoigu, đến thời điểm hiện tại, hơn 200.000 người đã được bổ sung vào các lực lượng vũ trang Nga và họ đang trải qua quá trình huấn luyện cần thiết.
Moscow chờ Kiev thay đổi quan điểm để đàm phán: Ngày 4/10, bình luận về việc Ukraine từ chối đối thoại với Nga, thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga D.Peskov cho biết, sẽ phải chờ sự thay quan điểm của Tổng thống Ukraine hiện tại, hoặc người kế nhiệm ông.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga D.Peskov cho biết: “Để đàm phán, cần hai phía. Ngay từ đầu, trước khi tiến hành chiến dịch quân sự, phía Nga vẫn ủng hộ việc đảm bảo đạt được các điều kiện mà phía Nga đưa ra thông qua các biện pháp hòa bình, ngoại giao , đàm phán. Bây giờ chúng tôi sẽ chờ sự thay đổi quan điểm của Tổng thống hiện tại, hoặc chúng tôi sẽ chờ tổng thống tương lai của Ukraine, người sẽ thay đổi quan điểm của mình vì lợi ích của người dân Ukraine”.
Ukraine sẽ không đàm phán với Nga: Tổng thống Ukraine Zelensky vừa chính thức loại trừ đàm phán với Nga sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine.
Sắc lệnh do ông Zelensky công bố hôm 4/10 tuyên bố rằng việc tổ chức đàm phán với Tổng thống Nga Putin đã trở thành bất khả thi sau khi ông Putin tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine.
EU đạt thỏa thuận áp giá trần đối với dầu mỏ Nga: Politico ngày 4/10 đưa tin, EU đã đạt một thỏa thuận dự kiến áp giá trần đối với việc bán dầu mỏ của Nga cho các nước thứ 3.
Theo quy định, tàu vận tải của các nước thành viên EU sẽ từ chối vận chuyển dầu Nga nếu mức giá vượt giá trần. Mức giá cụ thể sẽ được công bố trong vòng trừng phạt thứ 8.
Gazprom nối lại xuất khẩu khí đốt sang Italy: Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 5/10 cho biết sẽ tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang Italy thông qua Áo, sau khi tạm ngừng cung cấp vào cuối tuần trước do những hạn chế về quy định.
Theo thông báo của Gazprom, đôi bên đã tìm ra giải pháp về doanh số bán khí đốt sau những thay đổi quy định ở Áo. Phía nhà điều hành Áo cũng xác nhận cho phép nối lại nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua nước này và sẵn sàng các đề xuất vận chuyển của Gazprom.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết