Côn Đảo có những vịnh cát đẹp mê hồn, rừng nhiệt đới, những rạn san hô khỏe mạnh và đặc biệt có bầu không khí hoàn toàn yên tĩnh
“Ở Côn Đảo, tôi rất thích sự tĩnh lặng”, đó là nhận định của tác giả Iain Stewart viết trên tờ báo Telegraph (Anh) sau chuyến thăm đến một trong những hòn đảo nổi tiếng ở Việt Nam.
Hòn đảo của sự yên tĩnh
Với một đất nước có đường bờ biển trải dài, thật dễ dàng để du khách trải nghiệm khi chạy dọc Quốc lộ 1 và dừng lại ở những thị trấn và thành phố nổi tiếng nhất trên dọc đường đi.
Như ở phía Bắc, khu vực Vịnh Hạ Long, được nhiều người biết đến là Di sản Thiên nhiên Thế giới được Unesco công nhận, với nhiều đảo đá vôi cheo leo hay ngoài khơi miền Trung, Cù Lao Chàm là một điểm đến tuyệt vời chỉ cách đô thị Hội An lịch sử khoảng 30 phút.
Trong khi đó ở phía nam, Phú Quốc đang phát triển nhanh với những dịch vụ tốt nhất và những bãi biển hoang sơ.
Tuy nhiên, lựa chọn của tôi sẽ là Côn Đảo xa xôi, với lịch sử hấp dẫn và những bãi biển vắng.
Quần đảo Côn Đảo có một bầu không khí hoàn toàn yên tĩnh.
“Có hai đèn giao thông, một trạm xăng, nhưng đang đóng cửa để ăn trưa. Chỉ có một con đường chính, vì vậy bạn sẽ không lo bị lạc đường: rẽ phải nếu muốn đến sân bay hoặc trái để đến cảng”, nhân viên cho thuê xe máy nói.
Tôi đã dành cả tuần trước để đi thăm các thành phố lớn của Việt Nam và năng lượng phát triển mạnh mẽ. Bây giờ tôi cần một khoảng thời gian yên tĩnh.
Cầm chiếc chìa khóa mà nhân viên cho thuê xe máy vừa đưa, tôi đang tận hưởng cơ hội khám phá những con đường vắng và tìm kiếm một bãi biển hoàn hảo.
Từng là “địa ngục trần gian” với hàng nghìn tù nhân bị thực dân Pháp và quân đội Mỹ giam cầm, ngày nay Côn Đảo yên bình đến lạ thường. Với những vịnh cát đẹp mê hồn, rừng nhiệt đới và những rạn san hô khỏe mạnh, sức hấp dẫn nhiệt đới của Công Đảo rất dễ nhận biết.
Tôi đi qua một đoạn đường gồ ghề gần sân bay trước khi đến bãi Đầm Trầu, nơi có bãi cát dài mịn tuyệt đẹp, được bao bọc bởi những mỏm đá cheo leo. Làn nước biển ở đây trong và xanh hơn bất kỳ nơi nào khác. Sau đó, tôi có một giờ lặn ngắm san hô và thậm chí có 5 phút bơi cùng với một chú đồi mồi.
Nơi lưu giữ lịch sử đấu tranh hào hùng
Việt Nam là một đất nước với lịch sử đấu tranh hào hùng. Ở Côn Đảo đâu đâu cũng có những người anh hùng ngã xuống. Võ Thị Sáu, một nữ chiến sĩ đã hy sinh ở Côn Đảo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Nhưng có lẽ không đâu đáng sợ bằng nhà lao Phú Hải. Được xây dựng vào năm 1862, đây từng là nơi giam giữ 20.000 người.
Có khoảng 6 đến 10 người bị giam giữ trong mỗi nhà tù, vẫn được gọi là chuồng cọp. Người Mỹ tiếp tục vận hành những “chuồng cọp” này cho đến năm 1970 khi một báo cáo của tạp chí Life đưa tin về sự tồn tại của chúng, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn thế giới.
Sự tàn khốc của điều kiện nhà tù hồi đó đối lập hoàn toàn với vẻ đẹp choáng ngợp hiện nay.
Khi tôi đi dạo dọc theo lối đi ven biển ở thị trấn, vẻ thanh lịch tuyệt đối của thủ phủ hòn đảo nhỏ bé này đã khiến tôi ngạc nhiên: những con phố không có rác, những biệt thự thời Pháp, những tòa nhà đô thị được bảo tồn cẩn thận, không khí yên bình và sự ấm no.
Ngày hôm sau, tôi ghé qua Vườn quốc gia ngay bên ngoài thị trấn Côn Sơn. Hệ sinh thái của hòn đảo rất độc đáo, với 11 loại cây không nơi nào có trên thế giới. Người ta cho rằng có khoảng hơn chục con “bò biển”, loài thú biển duy nhất ăn cỏ được liệt vào sách đỏ, vẫn còn ở vùng biển xung quanh Côn Đảo.
Du khách cũng có cơ hội nhìn thấy rùa biển nhiều hơn vì Côn Đảo là nơi rùa biển hay vào làm tổ.
Vào ngày nghỉ cuối cùng, tôi lái xe máy để đi về phía nam. Tôi “cua” dọc bờ biển, qua vịnh nhỏ và bãi biển, con đường trơ trọi với hàng hoa giấy và cây dứa dại.
Mặt nước biển xanh như ngọc khi chúng tôi vòng qua mũi Cá Mập để vào Bến Đầm, một bến cảng vô cùng tấp nập.
Tôi gọi một ly cà phê đậm chất Việt Nam và ngắm những người đàn ông da rám nắng đang chèo thuyền từ bờ ra những chiếc thuyền đánh cá đang neo đậu trong vịnh .
Điểm dừng chân cuối cùng của tôi là nghĩa trang Hàng Dương. Vào mùa gió chướng, những bia mộ nằm phơi nắng ở đây. Nhưng hôm nay chỉ có những cơn gió nhẹ nhàng.
Tại đây, tôi gặp một nhóm nhân viên ngân hàng, cúi đầu trước mộ Võ Thị Sáu như đang gửi lời cầu nguyện và lời cảm ơn trước một biểu tượng của Tổ quốc.
Tôi thấy mình đang suy ngẫm về bản chất của dân tộc Việt Nam hiện đại: từ những cuộc đấu tranh lâu dài giành độc lập và những năm tháng khó khăn đến tốc độ phát triển chóng mặt ngày nay và những thành tựu về kinh tế.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết