(NLĐO) – Ông Vũ Anh Đức được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Ngày 16-10, theo thông tin được công bố trên website của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và công bố thông tin gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước, ông Vũ Anh Đức vừa được Ngân hàng Nhà nước chỉ định làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của SCB, kể từ ngày 14-10.
Đồng thời, ông Bùi Anh Dũng không còn là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng SCB kể từ ngày 14-10.
Ông Vũ Anh Đức sinh năm 1977, Thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế phát triển. Ông Đức từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo tại VietinBank trong nhiều năm trước khi được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia Hội đồng quản trị của SCB.
Ngân hàng Nhà nước cũng công bố các quyết định nhân sự khác tại SCB gồm ông Phạm Quang Tiến, ông Võ Văn Bửu, ông Trang Nhân Hậu và ông Lý Thành Phương đều giữ vị trí Thành viên HĐQT SCB.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt để ổn định hoạt động của ngân hàng này.
Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, hoạt động của SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của cơ quan điều hành. Và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.
Liên quan đến tiền gửi của người dân tại SCB, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định đã áp dụng những biện pháp cần thiết để ngân hàng SCB hoạt động bình thường, bảo đảm thanh khoản.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản gửi tiền của người dân tại các ngân hàng, trong đó có SCB, đều được Nhà nước bảo đảm trong mọi trường hợp. Do đó, những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn để bảo đảm quyền lợi của mình.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết