Làm hài lòng người khác là một việc làm tử tế, nhưng khi bạn cố gắng làm hài lòng người khác mà không chú ý đến nhu cầu của mình thì lại không còn là điều tốt nữa.
Những người luôn cố làm hài lòng người khác là người đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân họ. Đây là người rất dễ chịu, tốt bụng và hòa đồng, nhưng những người này thường sẽ có xu hướng hy sinh hoặc bỏ bê bản thân.
Việc làm hài lòng người khác không có gì xấu. Đây là một hành động thể hiện sự yêu thương, quan tâm và chăm sóc, đồng thời cũng là mang đến niềm vui cho người khác. Tuy nhiên, khi bạn “cố làm hài lòng người khác” hay “cố làm người tốt” thì lại là chuyện khác.
Đối với nhiều người, họ hi vọng rằng việc đồng ý mọi thứ mà người khác yêu cầu sẽ giúp họ cảm thấy được chấp nhận và yêu thích, điều mà có lẽ là họ đang thiếu. Nhưng họ lại không hề nhận ra rằng, việc cố chạy theo để làm hài lòng mọi người lại là một sự không tôn trọng dành cho chính bản thân mình.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể làm một người luôn cố gắng làm hài lòng người khác:
– Bạn gặp khó khăn khi từ chối ai đó hay nói “không”.
– Bạn bận tâm đến những gì người khác có thể nghĩ.
– Bạn cảm thấy tội lỗi khi từ chối một ai đó.
– Bạn sợ rằng việc từ chối một ai đó sẽ khiến người đó nghĩ bạn xấu tính hoặc ích kỷ.
– Bạn đồng ý với những điều bạn không thích hoặc làm những điều mà bạn không muốn làm.
– Bạn phải vật lộn với cảm giác tự ti.
– Bạn muốn mọi người thích bạn và cảm thấy rằng đáp ứng nhu cầu của họ có thể khiến bạn được công nhận.
– Bạn luôn nhận lỗi ngay cả khi điều đó không phải lỗi của bạn.
– Bạn không bao giờ có thời gian rảnh vì bạn luôn làm mọi việc cho người khác.
– Bạn bỏ bê nhu cầu của bản thân để làm hài lòng người khác.
– Bạn giả vờ đồng ý với mọi người mặc dù bạn không thấy như vậy.
Nếu bạn vướng phải đa số những trường hợp trên, thì có thể bạn là người luôn cố gắng làm hài lòng người khác.
Mặc dù trong mắt mọi người bạn có thể là một người hào phóng, tốt bụng, nhưng khi bạn luôn cố gắng làm hài lòng người khác mà bỏ bê chính mình, bạn có thể sẽ cảm thấy kiệt sức và căng thẳng.
Tại sao bạn lại luôn cố gắng làm người khác hài lòng?
Để ngừng trở thành một người cố gắng làm người khác hài lòng, điều quan trọng là phải hiểu tại sao bạn lại trở thành người như vậy.
Lòng tự trọng kém
Đôi khi chúng ta cố gắng làm người khác hài lòng bởi chúng ta không coi trọng mong muốn và nhu cầu của bản thân. Do thiếu tự tin, bạn cần có được sự công nhận từ bên ngoài và bạn cảm thấy làm hài lòng người khác sẽ có được sự tán thành và yêu thích.
Thiếu an toàn
Bạn cố gắng làm hài lòng người khác bởi bạn luôn lo lắng rằng người khác không thích mình nếu bạn không đáp ứng nhu cầu của người đó.
Trải nghiệm trong quá khứ
Những trải nghiệm đau đớn, khó khăn hoặc sang chấn tâm lý cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Ví dụ, những người từng bị lạm dụng có thể cố gắng làm hài lòng người khác như một thói quen hay một cách né tránh.
Điều gì xảy ra khi bạn cố làm hài lòng người khác?
Làm hài lòng người khác không phải là một việc xấu, bởi nó thể hiện sự quan tâm và chăm sóc tới những người mình yêu quý. Đây cũng là một phần quan trọng để giúp chúng ta duy trì mối quan hệ lành mạnh với những người thân yêu.
Tuy nhiên, nó sẽ trở thành vấn đề nếu như bạn đang cố gắng giành lấy sự công nhận của người khác để củng cố lòng tự trọng của bản thân.
Nếu bạn dành toàn bộ thời gian của mình để giúp đỡ người khác, để làm cho họ vui, để nhận về sự công nhận từ họ, bạn có thể sẽ gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Những nỗ lực để làm hài lòng người khác có thể khiến cho bạn rơi vào tình trạng căng thẳng và lo lắng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của bạn.
Việc dành tất cả thời gian, năng lượng và nguồn lực để đảm bảo cho hạnh phúc của người khác đồng nghĩa với việc bạn có ít quyết tâm và ý chí để thực hiện các mục tiêu của riêng mình.
Bên cạnh đó, những người thường cố làm hài lòng người khác có xu hướng che giấu nhu cầu và sở thích của bản thân. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy như bạn đang không sống cuộc sống của mình và thậm chí có thể khiến bạn cảm thấy như thể bạn hoàn toàn không biết mình là ai.
Việc che giấu cảm xúc thật của mình khiến người khác khó có thể biết được con người thật của bạn. Hãy nhớ rằng, việc bộc lộ bản thân là điều quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ thân thiết nào.
Bên cạnh đó, việc bạn nỗ lực hết mình để đảm bảo rằng bạn có thể đáp ứng được kỳ vọng của người khác có thể khiến bạn được đánh giá cao. Thế nhưng, họ cũng có thể bắt đầu coi lòng tốt và sự quan tâm của bạn là điều hiển nhiên.
Làm thể nào để ngừng việc cố làm hài lòng người khác?
Thiết lập ranh giới
Điều quan trọng là bạn phải biết được giới hạn của mình. Hãy thiết lập những ranh giới rõ ràng và cụ thể. Nếu như ai đó đang yêu cầu quá nhiều, hãy cho họ biết điều đó vượt quá giới hạn những gì bạn sẵn sàng làm và bạn không thể giúp được gì.
Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ
Có thể bạn sẽ khó tạo ra được một sự thay đổi lớn ngay lập tức, vì vậy hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ. Bạn có thể bắt đầu học cách nói không, thử bày tỏ ý kiến của bạn về một việc nhỏ nào đó hoặc yêu cầu một cái gì đó mà bạn cần từ người khác.
Đặt mục tiêu và sự ưu tiên
Hãy cân nhắc về những mục tiêu và sự ưu tiên của bản thân. Bạn muốn dành thời gian của mình như thế nào? Bạn muốn giúp đỡ ai? Bạn đang cố gắng hoàn thành những mục tiêu nào?
Biết được ưu tiên của mình có thể giúp bạn xác định xem bạn có thời gian và năng lượng cho những việc khác hay không.
Tự trò chuyện tích cực
Hãy tự trò chuyện với bản thân mình, nhắc nhở bản thân rằng bạn xứng đáng có thời gian cho chính mình. Mục tiêu của bạn rất quan trọng và bạn không cần bắt buộc phải dành thời gian và năng lượng của mình cho những việc không mang lại cho bạn niềm vui.
Hãy suy nghĩ trước khi nói “có”
Nếu ai đó cần được giúp đỡ, hãy nói với họ rằng bạn cần một chút thời gian để suy nghĩ. Việc đồng ý ngay lập tức có thể khiến bạn cảm thấy áp lực. Dành thời gian để suy nghĩ sẽ giúp cho bạn có thể đánh giá và quyết định xem đó có phải là điều bạn thực sự muốn làm hay không.
Giúp đỡ khi bạn muốn
Bạn không cần phải từ bỏ sự tử tế hay chu đáo của mình bởi đó là những phẩm chất tốt để tạo nên những mối quan hệ bền chặt và lâu dài. Điều quan trọng là đừng làm mọi việc chỉ vì bạn sợ bị từ chối hoặc muốn người khác công nhận.
Hãy tiếp tục làm những điều tốt đẹp, nhưng với điều kiện đó là điều mà bạn muốn làm.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết