Dù được hoạt động trở lại nhưng nhiều chủ trường mầm non ở Hà Nội ngậm ngùi khi chưa thể mở cửa trường vì thiếu giáo viên. Có trường hiệu trưởng, hiệu phó phải đứng lớp, tất bật chăm trẻ.
Học sinh mầm non tại Hà Nội chính thức được quay lại trường từ ngày 13/4. Tuy nhiên một trong những vấn đề lớn nhất của nhà trường nhất là với nhóm trường tư thục khi hoạt động trở lại là nhân sự giáo viên và nhân viên phục vụ.
Cô Nguyễn Hà Trang – chủ trường mầm non Ngôi nhà trẻ thơ (Hà Nội) đăng tin tuyển giáo viên trong các nhóm trên Facebook với mức lương trung bình 6,5 triệu đồng/tháng.
Sau 3 ngày đăng tin tuyển dụng, nữ hiệu trưởng này cho hay không nhận được bất kỳ phản hồi hay liên hệ nào.
“Tôi liên tục đăng tải thông tin, nhờ cả người thân cùng tìm kiếm, thậm chí tăng lương lên 7,5 triệu đồng/tháng, chấp nhận lãi ít hoặc hoà vốn để tuyển giáo viên nhưng đến nay nhà trường đi vào hoạt động trở lại mà vẫn chưa nhận được hồ sơ ứng tuyển nào.
Chưa có giáo viên nên hiệu trưởng, hiệu phó, văn phòng cũng phải đứng lớp, hỗ trợ công tác chăm nuôi cho học sinh”, chị Trang chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ tìm giáo viên, chị Nguyễn Hương Lan – chủ cơ sở mầm non Bông Hoa Nhỏ nói, đợt dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều giáo viên mầm non tại cơ sở của chị chuyển sang làm công việc khác.
Điều khiến nữ hiệu trưởng này lo lắng nhất là việc thiếu giáo viên. Mở cửa trường học mà thiếu giáo viên sẽ khiến lớp học chưa thể hoạt động, phụ huynh cũng không yên tâm khi gửi con đến trường, trong khi hiện tại tôi phải nhờ cả họ hàng dưới quê lên để giúp đỡ dọn dọn vệ sinh và phụ việc nấu nướng vì chưa có người làm.
“Không chỉ thiếu giáo viên chuyên môn đứng lớp, khó khăn mà trường đang vướng hiện nay là thiếu cả nhân viên đứng bếp vì trường học đóng cửa gần 1 năm nên nhiều người đã chuyển nghề để mưu sinh, điều này cũng không trách được họ. Giờ đây, trường mầm non mở cửa thì việc kêu gọi giáo viên, nhân viên quay trở lại làm việc dù tăng lương lên 20% nhưng nhiều người cũng không muốn quay về”, chị Lan nói.
Không riêng chị Trang, chị Lan nhiều chủ trường chia sẻ, họ sẵn sàng chi trả lương thưởng cao hơn, thậm chí hạ yêu cầu, chỉ mong có nhân sự thế nhưng vẫn khá khó trong việc tuyển giáo viên.
Nguyên nhân do nhiều giáo viên đã chuyển nghề, có những giáo viên vẫn yêu nghề, đau đáu với nghề thì đang đi làm ở các doanh nghiệp, nếu có nghỉ phải xin phép đủ 30 ngày, nên khi có thông báo gấp, nhiều người không kịp xoay sở.
Phương án nào cho các trường?
Về vấn đề thiếu giáo viên mầm non, bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) – chia sẻ, theo thống kê, hiện nay trên địa bàn quận vẫn còn gần 30 cơ sở mầm non tư thục chưa thể hoạt động được vì các điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo và thiếu giáo viên. UBND quận và ngành Giáo dục Hà Đông đang nỗ lực hỗ trợ các trường về cải tạo cơ sở vật chất, ký HĐ giáo viên, giúp các cơ sở mầm non quay trở lại hoạt động sớm nhất.
Quận Nam Từ Liêm cho biết trên địa bàn hiện có 50 trường mầm non và 218 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, số lượng trẻ học tại các trường tư thục và nhóm trẻ nhiều hơn so với các trường công. Do vậy, đối với 10 nhóm lớp tư thục đã giải thể, quận đã chỉ đạo các trường mầm non công lập đón nhận những cháu thuộc nhóm lớp này, tạo điều kiện để phụ huynh cho các con đến trường.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, bà Nguyễn Thị Hương – Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm – cho biết hiện đơn vị này đã kết hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng phương án tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho giáo viên mầm non. Việc làm này nhằm bổ sung nhân lực đưa hoạt động giáo dục mầm non trở lại thường ngày.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội thì cơ quan này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục hoạt động của nhóm trẻ tư thục, ngoài công lập. Để thu hút đội ngũ giáo viên mầm non quay trở lại, Sở cũng kiến nghị các trường công bố rộng rãi thông tin về nhu cầu tuyển dụng, bên cạnh đó tổ chức bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục nhất là giáo dục mầm non.
Lifehub tổng hợp