Nói về chuỗi nội dung 18 của Netflix trong nhiều năm qua, không khó để nhận thấy mức độ nặng nề và gây sốc của cảnh nóng cũng đi kèm với loạt kỷ lục về lượt xem và thứ hạng trending trên ứng dụng này.
Cụ thể, vào thời điểm hè 2020, cả làng phim sốc nặng trước “rác phẩm” 365 Days. Nội dung của 365 Days được đánh giá là quá sức “biến thái”, miêu tả phái nữ không khác gì những kẻ hứng tình, dễ bị thao túng bởi đàn ông. Chưa kể, những cảnh nóng cháy giác mạc của phim cũng khiến nhiều khán giả phải hú hồn vì hở trên thiếu dưới, diễn viên uốn éo bên nhau cứ như đang làm tình thật sự.
Tất nhiên, một điều không mấy bất ngờ đã xảy ra chính là “rác phẩm” 365 Days lại liên tục thống trị các bảng xếp hạng và trở thành phim điện ảnh được xem nhiều nhất trong năm của Netflix. Để tiếp nối cho thành công không mấy đẹp đẽ này của hãng thì liên tục các bộ phim gây sốc với nội dung hở trên thiếu dưới khêu gợi không kém về tình dục tiếp tục được ra lò.
Kho tàng phim 18+ khủng nhưng chất lượng nội dung kém và chẳng có ý nghĩa gì ngoài những cảnh nóng
Ngay từ thời điểm nhiều năm trước, Netflix đã không phải là một cái tên nhút nhát, ngần ngại trong việc thể hiện cảnh nóng trong các bộ phim của mình. Những series đầu tay như Orange Is The New Black (Trại Giam Kiểu Mỹ) từng gây sốc với hàng loạt các cảnh nóng đồng tính hở bạo, hay Sense8 (Siêu Giác Quan) còn khiến khán giả đỏ mặt khi thể hiện những cuộc “thác loạn” nóng bỏng của dàn diễn viên chính. Dẫu vậy, những cái tên “đời đầu” này vẫn nhận về nhiều lời tán dương.
Xét về mặt bằng chung của truyền hình Âu – Mỹ, Netflix không phải là thương hiệu duy nhất “mạnh bạo” trong yếu tố tình dục 18+ ở phim ảnh. Bên cạnh Netflix, còn có HBO với những Game of Thrones (Trò Chơi Vương Quyền) hay True Blood (Thuần Huyết), hoặc Shameless (Vô Liêm Sỉ) của Showtime. Tuy nhiên yếu tố tình dục trong những bộ phim vừa rồi luôn mang tính kể chuyện – điều mà Netflix đang ngày càng đánh mất trong cuộc đua tranh giành lượt xem mà quên đi sự đầu tư thận trọng vào chất lượng của một bộ phim.
Cứ 18+ là views cực khủng
Không thể phủ nhận yếu tố 18+ có thể mang lại sự chú ý và thành công về mặt thương mại cho các tác phẩm phim ảnh. Tuy nhiên cùng với đó, chuyện Netflix bị khán giả chỉ trích vì cảnh nóng vô độ, thừa thãi trong phim đã trở nên khá quen thuộc. Những tác phẩm như 365 Days từng được so sánh với phim khiêu dâm vì nội dung “yêu kẻ bắt cóc” sống sượng nhưng cảnh nóng được đầu tư với thời lượng dài, gây ám ảnh. Các diễn viên cũng phải “lăn xả”, chịu hở bạo trên màn ảnh.
Những cảnh nóng này không chỉ đặt ra tiêu chuẩn hão huyền về tình dục đối với người xem mà đôi khi còn cung cấp thông tin sai lệch về sức khỏe tình dục. Đôi khi, nó đi ngược lại với văn hóa của một số quốc giá.
Yếu tố tình dục, cảnh nóng nếu được khai thác tốt thì hoàn toàn có thể trở thành chi tiết đắt giá, góp phần dẫn dắt nội dung phim. Để làm được điều này cũng là một thử thách với nhiều nhà làm phim, và phần lớn chỉ dừng lại ở mức “khiêu khích” người xem hơn là biến chuyện tình dục trở thành đề tài hấp dẫn, đáng khai thác. Euphoria, Sex Education hay Bridgerton là cái tên hiếm hoi làm được điều này.
Từ những điều này, người dùng Netflix đang đặt ra nghi vấn “liệu Netflix có đang khiêu dâm hóa vì bế tắc về mặt nội dung?”. Tất nhiên, câu trả lời chỉ có trong tương lai mà thôi.
Nội dung khiêu dâm cần phải có điểm dừng
Sex/Life hay 365 không phải là những cái tên duy nhất mà Netflix tung ra gần đây với cường độ cảnh nóng quá nhiều, quá bạo và nhiều phân đoạn chạm tới mức phản cảm. Còn có Elite (với 4 mùa phim bỏng mắt), Dark Desire (Dục Vọng Đen Tối) ngập tràn tình dục hay Tiny Pretty Thing (Gót Hồng Mong Manh) từng nhận gạch đá vì nhiều cảnh nóng với nhân vật là học sinh cấp 3.
Các bộ phim của Netflix không gặp nhiều rào rản khi ra mắt ở thị trường quốc tế, và cũng không bị kiểm soát chặt chẽ khi mang những bộ phim này về Việt Nam. Sự “thả cửa” của Netflix trong việc cung cấp nhiều nội dung có phần dung tục có thể sẽ làm dấy lên nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe, giới tính hay sự văn minh trong tình dục. Cần một sự kiểm soát để những văn hóa phẩm “quá trớn” không tìm cách đến với tay khán giả đại chúng một cách quá dễ dàng, và cần người dùng khắt khe, kỹ tính hơn trong việc tiêu thụ những tác phẩm mang tính “câu giật” từ truyền hình trực tuyến.
LifeHub