Mọi người thường dễ bốc đồng chi tiêu vào ban đêm? Tâm lý nào của người tiêu dùng đã bị thao túng?
Theo Đài Tiếng nói Trung Quốc, Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đối với một số người tiêu dùng hay mua sắm trực tuyến, ban đêm là thời điểm phổ biến khiến nhiều người chuyển trạng thái từ “trong giỏ hàng” sang “mua hàng”. 0:00 – 1:00 đặt mua, giảm giá sẽ lớn hơn; số dư sẽ được thanh toán vào lúc 0:30, mua trước nửa tiếng hoặc một tiếng sẽ được nhận nhiều ưu đãi hơn… Những quy tắc này làm cho các dịp giảm giá lớn của một vài nền tảng thương mại điện tử trở thành “chợ đêm online”.
Ban đêm thức để chốt đơn, thanh toán, sáng vừa ngủ dậy đã hối hận, vừa hủy đơn vừa thắc mắc: Tại sao chốt đơn lại thường vào ban đêm vậy nhỉ?
Tại sao việc thanh toán luôn xảy ra vào lúc nửa đêm?
Mọi người thường dễ bốc đồng chi tiêu vào ban đêm ư? Tâm lý nào của người tiêu dùng đã bị thao túng? Tại sao biết rõ chiêu trò của nhà bán hàng, nhưng bạn vẫn không kiềm chế được mà vẫn tích cực tham gia?
Ngoài việc buồn ngủ và mơ hồ vào giữa đêm, còn có những cơ chế sâu nào khác?
Về vấn đề này, Tang Yicheng, Phó giám đốc điều hành của Trung tâm thúc đẩy sức khỏe tâm thần Zhongkepu Bắc Kinh, Trung Quốc chỉ ra rằng các nhà bán hàng thường sắp xếp thanh toán vào nửa đêm, lợi dụng lỗ hổng nhận thức hạn chế về nguồn lực ý chí của con người. Lúc này, người tiêu dùng có thể đang ở trong tình trạng kiệt quệ về tinh thần và mơ hồ trong việc ra quyết định, rất dễ gây ra sự lệch lạc về hành vi mua hàng theo kiểu bốc đồng.
Ông giải thích rằng ý chí – một thứ tinh thần, cũng có một khái niệm định lượng, ý chí cũng là một nguồn lực có hạn. Nói chung, người tiêu dùng có nguồn lực ý chí phong phú hơn vào ban ngày, nhưng sau một vài xung đột giữa các cá nhân hoặc công việc trong ngày, nguồn ý chí sẽ bị cạn kiệt. Nửa đêm, nguồn lực ý chí suy yếu, không chống đỡ nổi bốc đồng trong mua sắm.
Hơn nữa, vào lúc nửa đêm, không chỉ ý chí tương đối yếu mà chúng ta cũng dễ bị cảm xúc cô đơn bao lấy, từ đó ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của bản thân. Tang Yicheng nói rằng tại thời điểm này, thứ được mua không phải là hàng hóa mà là trải nghiệm cảm xúc do hành vi mua hàng mang lại. Con người tự điều chỉnh, giải tỏa căng thẳng và giải tỏa cảm xúc tiêu cực thông qua việc mua sắm: “Trong tâm lý học có ‘liệu pháp bán lẻ’ hay còn gọi là ‘liệu pháp mua sắm'”.
Mua sắm vào ban đêm dễ hối hận hơn không?
Sau khi thanh toán xong, “người trả tiền” sẽ lăn ra ngủ vì hài lòng. Nhưng ngay khi nhắm mắt, một vài người lại tiếc nuối. Lúc này, còn phải xem xem tốc độ hủy đơn của người mua có nhanh hơn tốc độ chuẩn bị hàng của người bán hàng hay không.
Tang Yicheng chỉ ra rằng sự hiểu biết về cảm xúc của mọi người phụ thuộc vào trạng thái hiện tại. Ví dụ, mọi người sẽ sử dụng việc mua sắm để chữa lành những cảm xúc tiêu cực của họ vào nửa đêm, còn vào ban ngày, khi đã thoát ra khỏi những cảm xúc tồi tệ vào lúc nửa đêm, họ có thái độ tích cực hơn, điều này tạo ra “sự chênh lệch nhiệt độ cảm xúc”. “Sự chênh lệch nhiệt độ cảm xúc” này sẽ khiến chúng ta hối hận, Tang Yicheng nói: “Điều này chủ yếu là bởi vì ‘tôi’ của ban đêm không còn là ‘tôi’ của ban ngày nữa.”
Lần trước hối hận nhưng lần sau vẫn mua?
Có một thực tế đó là người tiêu dùng, dù đã nhận ra rất nhiều mánh khóe trong quy trình tiếp thị và quảng cáo của các nhà bán hàng, rồi tự nhủ rằng không được mua thêm nữa, nhưng đôi bàn tay thì vẫn lại rất tích cực: thêm vào giỏ hàng, xác nhận đơn hàng, thanh toán qua thẻ, một bộ thủ tục được thao tác vô cùng trơn tru.
Tại sao lại như vậy?
Hiệu ứng Dunning-Kruger, còn được gọi là hiệu ứng D-K, đề cập đến thực tế là một người bình thường tự tin quá mức vào thông tin và những thứ quen thuộc hơn với mình, điều này ảnh hưởng đến hành vi ra quyết định hàng ngày. Đối với người tiêu dùng, tâm lý này sẽ khiến họ đặt nhiều kỳ vọng vào mình, nghĩ rằng mình sẽ không bị lừa bởi những chiêu trò của nhà bán hàng. Điều này ngược lại lại khiến bạn dễ dàng bị các chiến lược tiếp thị thao túng hơn.
Một số người có thể nói, tiền thì đằng nào cũng tiêu rồi, biết cái này có ích gì không? Tôi có thể không mua hàng vào lần sau không?
Tang Yicheng tin rằng việc hiểu được các nguyên tắc tâm lý liên quan sẽ giúp chúng ta phát triển một cơ chế nhận thức và cảnh giác bên trong, giống như một “chuông báo động” bên trong, lần sau khi trót gặp phải quảng cáo hay lời mời chào ưu đãi nào đó hấp dẫn của các nhà bán hàng, não sẽ tự động phát lên hồi chuông cảnh báo “bíp bíp bíp”.
Vậy 00:00 từ bây giờ có còn là thời điểm vàng cho việc mua sắm của bạn trong tương lai nữa không?
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết