Khái niệm và thực tiễn về thực tế ảo (VR) đang thâm nhập vào cuộc sống mỗi ngày mà trước đây điều này chủ yếu gắn liền với ngành công nghiệp game.
Khi công nghệ VR phát triển, các thương hiệu đang khám phá cách tích hợp hệ thống này vào hoạt động kinh doanh của công ty, từ đó nâng cao khả năng tương tác và trải nghiệm, từ ngành công nghiệp thời trang, thể thao đến chăm sóc sức khỏe.
Tiến sĩ Evelyn Chan – người sáng lập và giám đốc điều hành Smileyscope – đã phát triển phần mềm VR nhằm cung cấp cho bệnh nhân công cụ giúp giảm căng thẳng, sợ hãi và lo lắng mỗi khi được bác sĩ thăm khám. Là bác sĩ, cô phát hiện có 75% trẻ em, 50% thanh thiếu niên và 25% người lớn sợ kim tiêm, vì điều này mà đôi khi ngăn họ đến khám bệnh.
Phần mềm Smileyscope ứng dụng VR dĩ nhiên đảm bảo vệ sinh, phù hợp sử dụng trong y tế, cho phép trẻ em và người lớn lựa chọn 20 trải nghiệm hoặc thư viện âm nhạc. Kính VR giúp “đánh lạc hướng” bệnh nhân khỏi các thủ thuật y tế đang được thực hiện trên cơ thể họ, phổ biến nhất là tiêm chích, giúp giảm sợ hãi và đau đớn.
Công ty đã hợp tác với hơn 40 bệnh viện của Hoa Kỳ để triển khai công nghệ VR. Cô cũng đã huy động được 1 triệu USD tiền đầu tư. “Khi sử dụng, VR sẽ chiếm phần lớn não bộ và quá trình xử lý của não khiến bệnh nhân ít nghĩ về sự đau đớn và lo lắng hơn. Chúng tôi muốn biến khám bệnh thành một trải nghiệm tích cực”, Chan nói.
Lớn lên trong phòng khám của cha, tận mắt chứng kiến việc khám chữa bệnh, từ bé Chan xác định muốn làm việc trong ngành y, đặc biệt là khoa nhi. Làm việc với trẻ em, cô nhận thấy chúng mắc chứng sợ kim tiêm. Chan cũng nhận ra ngành y còn thiếu sự đổi mới, cô muốn tìm ra mảnh ghép còn thiếu đó nên đã chuyển sang tư vấn, rời bỏ công việc khám chữa bệnh của mình.
Một lần, Chan chú ý đến một khách hàng của mình đang làm việc trong dự án VR và bắt đầu nghĩ về việc triển khai VR trong mảng chăm sóc sức khỏe. Cô khởi đầu bằng việc tập trung giải quyết các cơn đau do thủ thuật trong nhi khoa rồi mở rộng dần sang lĩnh vực y tế dành cho người lớn.
“Chúng tôi bắt đầu từ số 0, bởi hầu như chưa có thiết bị nào được thiết kế để phục vụ cho y khoa. Chúng tôi làm việc với 100 trẻ em, câu trả lời là muốn trải nghiệm cảm giác phiêu lưu dưới nước trong quá trình bác sĩ tiêm – cô kể và nói thêm – Trẻ sẽ đeo kính, ngắm nhìn những chú cá đang bơi lội tung tăng trong khi bác sĩ từ từ thực hiện thủ thuật tiêm. Bộ não của trẻ khi ấy sẽ cảm nhận mũi kim một cách hoàn toàn khác”.
Ban đầu, công ty ra mắt sản phẩm tại Úc, được áp dụng cho nhiều bệnh viện dành cho trẻ em ở Úc và nhận được sự chú ý tại Hoa Kỳ sau đó. Và hiện đang nghiên cứu phát triển công nghệ để có thể loại bỏ nhu cầu sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc giảm đau trong các thủ thuật.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết