Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông), các hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng chủ yếu là giả mạo thương hiệu, chiếm tới 72,6%.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, từ đầu năm đến nay, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã điều phối ngăn chặn 2.328 trang web lừa đảo, vi phạm pháp luật; 1.342 trang web lừa đảo trực tuyến; 986 trang web, blog vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin cũng đã xử lý 76 trang web phát tán mã độc, chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển mạng Botnet.
Theo Cục An toàn thông tin, Việt Nam xếp thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số an toàn thông tin, an ninh mạng, tăng 25 bậc so với năm 2019. Tuy nhiên, các mối đe dọa về an toàn thông tin, an ninh mạng vẫn còn hiện hữu.
Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin, trong 11 tháng đầu năm 2022, đã có tới 11.213 cuộc tấn công mạng hướng vào Việt Nam, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 3.930 cuộc tấn công giả mạo (phishing), 1.524 cuộc tấn công thay đổi nội dung (deface), 5.759 cuộc tấn công phần mềm độc hại (malware).
Đáng chú ý, năm 2022, Cục An toàn thông ting ghi nhận hình thức lừa đảo phổ biến là giả mạo thương hiệu gia tăng đột biến, chiếm 72,6% tổng số vụ lừa đảo trên mạng được ghi nhận. Các hình thức lừa đảo khác bao gồm giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến chiếm 11,4%; các hình thức như lừa đảo trúng thưởng, việc làm online, ứng dụng cho vay… chiếm 16%.
Trong khi đó, theo kết quả từ khảo sát 135 tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam về công tác đảm bảo an toàn thông tin do Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam thực hiện cho thấy, có đến 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại; Có tới 87% tổ chức, doanh nghiệp lo ngại về yếu tố con người, 58% đơn vị lo ngại về điểm yếu tố công nghệ và 47% lo sợ về lỗ hổng quy trình. Đặc biệt, 68% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hàng năm.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết