Lầu Năm Góc hôm 2/12 ra mắt máy bay ném bom tàng hình chiến lược thế hệ mới B-21 Raider. Máy bay do công ty quốc phòng Northrup Grumman chế tạo, và sẽ bổ sung cho phi đội máy bay ném bom hiện có của Mỹ bao gồm B-2 Spirit, B-1B Lancer, B-52 Stratofortress.
Để tổ chức buổi lễ ra mắt hoành tráng tại Palmdale (bang California), Northrop Grumman và Bộ Quốc phòng Mỹ đã không tiếc chi phí thực hiện một đoạn phim quảng cáo theo phong cách Hollywood và một màn trình diễn quốc ca với sự góp mặt của đội hình máy bay ném bom chiến lược hiện có của Mỹ.
“Máy bay B-21 Raider mở ra một kỷ nguyên mới – một máy bay ném bom độc nhất vô nhị, với khả năng tàng hình, hệ thống vũ khí tiên tiến và kiến trúc hệ thống mở có thể tích hợp mọi yếu tố.
Chiếc máy bay thế hệ sáu đầu tiên này đã vượt qua mọi giới hạn, thể hiện sự cống hiến và kỹ năng của hàng nghìn người đang làm việc để xây dựng một tương lai an toàn hơn. Điều này thay đổi mọi thứ,” trích lời thuyết minh trong video quảng cáo.
Cùng với Giám đốc điều hành Northrop Grumman Kathy Warden, buổi lễ có sự tham dự của người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin. “B-21 Raider là máy bay ném bom chiến lược đầu tiên trong hơn ba thập kỷ. Nó là minh chứng cho những lợi thế lâu dài của nước Mỹ”, Bộ trưởng Austin nói.
Thông số kĩ thuật
Máy bay ném bom B-21 Raider được đặt theo Doolittle Raiders – nhóm phi công Mỹ đã tiến hành một chiến dịch táo bạo thời Thế chiến II, ném bom Tokyo vào ngày 18/4/1942.
B-21 Raider có tầm hoạt động ước tính hơn 9.650 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Con số này thấp hơn so với oanh tạc cơ B-52H Stratofortress (tầm hoạt động hơn 14.080km), B-2 Spirit (11.100 km) và B-1B Lancer (12.000 km).
Tuy nhiên, nhiêu đó cũng đã đủ để gieo rắc nỗi sợ hãi cho những đối thủ của nước Mỹ, theo Bộ trưởng Austin.
Theo ước tính không chính thức, B-21 sẽ có tải trọng từ 10-15 tấn, thấp hơn so với B-2 (18-23 tấn).
Northrop chưa nêu chi tiết loại bom mà chiếc máy bay mới có thể mang trong các khoang vũ khí. Nhưng chúng có thể bao gồm 230kg bom không dẫn đường, 910kg đạn dẫn đường chính xác đa năng, bom hạt nhân B61 hoặc B83, bom lượn AGM-154 hoặc tên lửa hành trình AGM-158.
Một trong những tính năng hút khách nhất của B-21 là khả năng tàng hình. “50 năm công nghệ đã hội tụ trong chiếc máy bay này. Và ngay cả những hệ thống phòng không tinh vi nhất cũng sẽ rất vất vả để phát hiện ra B-21 trên bầu trời”, Bộ trưởng Austin hứa hẹn.
Giống như mẫu máy bay tiền nhiệm B-2 Spirit, B-21 Raider được cho là hầu như vô hình trước radar của kẻ thù nhờ hình dạng khác biệt và lớp phủ polymer tiên tiến.
Máy bay cũng có “hệ thống mở”, mà Bộ trưởng Austin cho biết sẽ làm cho nó “có khả năng thích ứng cao”, cho phép kết hợp “các loại vũ khí mới chưa được phát minh”.
Quá trình bay thử nghiệm của B-21 dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 3/2023. Máy bay ném bom này sẽ bắt đầu hoạt động trong Lực lượng Không quân vào năm 2026 hoặc 2027, nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch.
B-21 Raider có mức giá dự kiến là 692 triệu đô la mỗi chiếc. Và Không quân Mỹ có kế hoạch chế tạo tổng cộng ít nhất 100 chiếc. Hiện sáu chiếc đang được lắp ráp. Nhưng giống như hầu hết các dự án khác, mức giá của B-21 Raider có khả năng sẽ tăng vọt.
B-2, được thiết kế vào những năm 1980 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1997, có mức giá cho mỗi chiếc máy bay là hơn 2,13 tỷ đô la, chưa điều chỉnh theo thời giá.
Mỹ có kế hoạch sản xuất 132 chiếc B-2, nhưng chỉ có 21 chiếc được chế tạo do Chiến tranh Lạnh kết thúc và việc tái tập trung ngân sách quân sự của Mỹ vào cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố”.
Theo dữ liệu của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ, máy bay B-2 Spirit có chi phí mỗi giờ bay hơn 150.700 đô la và cần 60 giờ làm việc để bảo trì cho mỗi giờ bay.
B-1B Lancer tiêu tốn khoảng 173.000 đô la mỗi giờ bay, trong khi B-52H Stratofortress tiêu tốn 88.354 đô la. Điều đó có nghĩa là chỉ riêng buổi lễ ra mắt B-21 hôm thứ Sáu, Lực lượng Không quân đã chi ít nhất nửa triệu đô la cho màn xuất hiện của dàn oanh tạc cơ trong tiết mục hát quốc ca.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết