cDưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 9/12/2022.
Nga nói Mỹ muốn xung đột ở Ukraine kéo dài đến năm 2025: Nga cho rằng kế hoạch mua vũ khí của Mỹ cho thấy Washington có ý định kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các tài liệu mua sắm vũ khí của Mỹ cho thấy Washington có ý định duy trì cuộc xung đột ở Ukraine trong ít nhất 3 năm tới. Bà Zakharova nói thêm rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nên chú ý đến điều này khi đánh giá tương lai của đất nước.
“Washington có kế hoạch thúc đẩy cuộc xung đột ở Ukraine ít nhất cho đến cuối năm 2025. Đó là kế hoạch của họ, xét theo các tài liệu mua vũ khí mà họ công khai”, nhà ngoại giao Nga nói trong cuộc họp báo hôm 8/12.
Nga cảnh báo phương Tây đang “đùa với lửa” khi cung cấp vũ khí cho Ukraine: Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh Rossiya-24 TV ngày 8/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo NATO đang “đùa với lửa” khi cung cấp vũ khí cho Ukraine.
“Các thành viên NATO đang can thiệp ngày càng gia tăng và trực tiếp vào cuộc xung đột này. Sự hỗ trợ của họ cho Kiev hiện nay đã đa dạng hơn nhiều so với cách đây một vài tháng. Điều đó phản ánh chính sách leo thang xung đột của Washington, được các nước EU tuân theo. Họ đang đùa với lửa. Các rủi ro đang gia tăng”, ông Ryabkov cho hay.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh các nước phương Tây đang mở rộng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó có “các vũ khí hạng nặng và tầm bắn xa hơn”. Ông Ryabkov cũng cảnh báo các nước phương Tây về hậu quả của những động thái như vậy.
Mỹ sắp công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine: Gói viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD này của Mỹ dành cho Ukraine đặt trọng tâm vào phòng không.
Hãng thông tấn Reuters dẫn các nguồn cho hay, Washington chuẩn bị gửi gói viện trợ quân sự mới cho Kiev, trong đó có các hệ thống phòng không và chống UAV. Dự kiến gói 275 triệu USD này được công bố trong ngày 9/12 (giờ địa phương).
Theo các quan chức và tài liệu được Reuters trích dẫn, gói viện trợ quân sự sẽ bao gồm tên lửa cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, đạn pháo 155m, xe quân sự Humvee và máy phát điện.
Kiev nói Moscow đang thay đổi chiến lược ở phía Đông Ukraine: Các quan chức Ukraine cho biết, lực lượng Nga đã bắn pháo vào toàn bộ chiến tuyến của khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine hôm 8/12, nhưng dường như đây là động thái thu hẹp quy mô giao tranh của Điện Kremlin nhằm bảo vệ phần lớn lãnh thổ đã kiểm soát.
Theo Thống đốc Pavlo Kyrylenko của vùng Donetsk, giao tranh ác liệt nhất đã diễn ra gần các thị trấn Bakhmut và Avdiivka. Ông Kyrylenko cho biết, Nga đã sử dụng pháo binh nhằm vào thị trấn Toretsk ở phía Tây Nam Bakhmut, làm hư hại 12 tòa nhà.
Thống đốc vùng Donetsk cho biết, toàn bộ chiến tuyến của khu vực đang bị pháo kích và quân đội Nga đang cố tiến gần đến Lyman, nơi Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát vào tháng 11.
Điện Kremlin: Tổng thống Zelensky biết cách chấm dứt xung đột ở Ukraine: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc cuộc xung đột hiện tại kết thúc phụ thuộc vào Ukraine.
Trong một cuộc họp báo hôm 8/12, Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov nói rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky biết rõ nếu ông ấy muốn thì giao tranh giữa Nga và Ukraine có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
“Ông Zelensky biết khi nào tất cả những điều này có thể kết thúc. Cuộc xung đột này có thể kết thúc vào ngày mai nếu ông ấy muốn”, ông Peskov nói.
Chi tiêu quốc phòng châu Âu lần đầu tiên vượt 200 tỷ euro: Cơ quan Quốc phòng Châu Âu (EDA) ngày 8/12 đã công bố báo cáo Dữ liệu quốc phòng hàng năm cho giai đoạn 2020-2021. Theo đó, tổng chi tiêu quốc phòng của 26 quốc gia thành viên EU, ngoại trừ Đan Mạch, đã tăng lên 214 tỷ euro (225 tỷ USD) vào năm 2021, đánh dấu mức tăng thêm 6% vào năm 2020 và là năm tăng trưởng thứ 7 liên tiếp.
Báo cáo của EDA cho thấy các quốc gia thành viên đang đầu tư nhiều hơn bao giờ hết vào việc mua sắm thiết bị quốc phòng cũng như nghiên cứu và phát triển với mức tăng 16% so với năm 2020, với tổng trị giá kỷ lục 52 tỷ euro. Trong số đó, 82% tương đương 43 tỷ euro được sử dụng để mua sắm thiết bị và 18% tương đương 9 tỷ euro cho nghiên cứu và phát triển. Đây là tỷ lệ phân chia tương tự như được ghi nhận trong ba năm qua./.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết