Với bí quyết riêng độc đáo, quốc gia này đã giảm tỷ lệ phạm tội xuống cực kỳ thấp và biến hệ thống nhà từ trở nên trống vắng đến lạ thường.
“Phép màu” ở Hà Lan
Tại Hà Lan, có một sự thật đáng kinh ngạc chính là việc tỷ lệ tội phạm ngày càng giảm xuống đáng kể theo thời gian. Từ năm 2007 đến năm 2015, tỷ lệ phạm tội ở Hà Lan giảm 26%, theo Cục Thống kê Trung ương quốc gia này. Trong vòng một thập kỷ, số tù nhân mới ở Hà Lan giảm 34% xuống còn gần 38.000 người vào năm 2015. Hà Lan chỉ có 66 tù nhân trên 100.000 dân, từ số liệu của Eurostat vào cuối tháng 1 năm 2021.
Trong nhiều năm qua, Hà Lan đã phải đóng cửa hàng loạt nhà tù và cải tạo thành những kiến trúc phục vụ mục đích khác.
Bí quyết đem tới “phép màu” này thực chất nằm ở cách họ đối xử với tù nhân. Tại Hà Lan, bằng việc cung cấp chính sách cải tạo đặc biệt dành cho tội nhân có vấn đề về tâm thần, hệ thống tư pháp đã giảm mạnh được số lượng người bị giam giữ.
Quan tòa có nhiều lựa chọn hơn là kết án tù. Không phải là giảm nhẹ hình phạt mà cách xử phạt đã khác trước kia, chẳng hạn như lao động công ích hoặc đeo vòng kiểm soát điện tử.
Phương thức của họ nhắm đến việc phòng ngừa và thấu hiểu tội phạm, thay vì trừng trị. Bất kỳ ai phạm tội sẽ bị phạt tiền, và đồng thời phải tham gia chương trình cải tạo tâm lý. Thời gian giam giữ dần rút ngắn, sau khi các án phạt dài hạn cho thấy sự không hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ phạm tội.
Chương trình cải tạo này được gọi là “các bản án thay thế”, dựa trên ý tưởng tội phạm cũng là con người, cần được đối xử một cách nhân văn để vẫn trở nên có ích cho xã hội sau đó.
Theo Miriam van Driel – nhà tâm lý học Hà Lan: “Cách bạn đối xử với người khác – kể cả trong tù – sẽ ảnh hưởng đến hành động của họ ở bên ngoài xã hội. Nếu coi thường và xem phạm nhân là động vật, họ sẽ hành động phản kháng như một con thú hoang. Nhưng nếu đối xử nhân văn, họ sẽ hành xử nhân văn hơn.”
Do đó, việc tái hòa nhập cộng đồng sau khi ra tù cũng được quan tâm. Nếu sau khi hết án, họ trở lại với xã hội mà thường bị kỳ thị, không có việc làm, hậu quả sẽ dẫn đến việc tái phạm tội và phải quay lại ngục tù. Nhưng tại Hà Lan, tội phạm trong tù sẽ được hỗ trợ hết sức có thể để đưa họ quay trở lại xã hội một cách nhanh nhất, bằng chương trình “ngăn ngừa tội phạm”.
Chương trình này nhằm mục đích bảo vệ công chúng, và đồng thời cũng là để bảo vệ tội nhân. Theo một nghiên cứu vào năm 2007, chương trình đã cho thấy sự hiệu quả nhất định, dù còn một số trở ngại như việc chưa thể giúp đỡ triệt để.
Các nhà tù rơi vào cảnh “thất nghiệp”
Không có phạm nhân, hệ thống nhà tù tại Hà Lan buộc phải đóng cửa và tìm cách chuyển đổi công năng.
Một nhà tù ở Veenhuizen, tỉnh Drenthe, phía bắc Hà Lan đã được Na Uy, quốc gia láng giềng ở bắc Âu, thuê lại để giam giữ tù nhân của nước này. Quản ngục của nhà tù Veenhuizen cũng trở thành nhân viên ăn lương của chính quyền Na Uy.
Nhà tù mái vòm Boschpoort, rộng hơn 33.000 m2 ở thành phố Breda, Hà Lan chính thức đóng cửa vào năm 2014. Đến hiện tại, tòa nhà 4 tầng này lại trở thành trụ sở và văn phòng làm việc của khoảng 90 công ty, trong đó có 3D Red Panda VR, một công ty công nghệ non trẻ.
Bên cạnh đó, một nhà tù vốn dành cho nữ phạm nhân ở thành phố Zwolle, miền đông bắc Hà Lan, giờ đây là một nhà hàng danh tiếng.
Một trại cải tạo nằm ở ngoại ô Overamstel, gần thủ đô Amsterdam, thì được nâng cấp để trở thành khu nhà chung cư có sức chứa hàng nghìn hộ gia đình, với giá rao bán lên tới 67 triệu USD.
Một trại giam ở Haarlem, phía tây Hà Lan thì được chính quyền địa phương mua đứt với giá 7 triệu USD để cải tạo thành một trường đại học.
Còn với nhà tù mái vòm có tuổi đời hơn 130 năm ở thành phố Breda, Hà Lan quyết định giao nhà tù này cho một cơ quan đặc biệt để triển khai các dự án xã hội vào năm 2016.
Một số cơ sở được chuyển đổi thành nơi ở cho người tị nạn từ các quốc gia khác.
Theo số liệu cập nhật năm 2017, Hà Lan hiện chỉ còn khoảng 38 nhà tù đang hoạt động. Một phần các nhà tù này đã được rao bán đã thu về tổng cộng 23 triệu USD, số khác trở thành bất động sản cho thuê đã mang về cho ngân sách nhà nước khoảng 20 triệu USD.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết