Nhiều năm không giảng dạy phải để người khác “đứng lớp hộ”, một giáo viên chính thức ở Hà Nội vẫn được hưởng và lên lương.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Khả Đống, Phó Hiệu trưởng trường THCS Bùi Quang Mại (Đông Anh, Hà Nội) đã xác nhận về vấn đề này.
Trước đó, một số giáo viên, phụ huynh của trường THCS Bùi Quang Mại, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội phản ánh về việc ông Đ.Q.T, giáo viên biên chế chính thức, dạy môn tiếng Anh, suốt nhiều năm liền không đứng lớp giảng dạy.
Theo những phản ánh này , ông T. nay 47 tuổi, được tuyển dụng viên chức vào tháng 4/1999. Thầy T. là giáo viên biên chế chính thức, dạy môn tiếng Anh. Nhưng đứng lớp được vài năm thì đến 2004, gần như ông không tới trường cũng như không tham gia vào việc dạy học trên lớp nữa.
Nắm giữ một suất biên chế giáo viên, nhưng công việc giảng dạy của ông T. phải để người khác “đứng lớp hộ”.
Dù không lên lớp dạy học, nhưng nhiều năm liên tục ông T. vẫn được nhà trường đánh giá là hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thầy T. được hưởng tất cả các khoản thưởng, ưu đãi chính sách của nhà trường, công đoàn, ngành giáo dục. Việc tăng lương, nâng ngạch bậc của ông vẫn “không mất quyền lợi”.
Khi một số giáo viên, phụ huynh của nhà trường có ý kiến về trường hợp của ông T., thì nhận được câu trả lời “thầy đi công tác”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Khả Đống, Phó Hiệu trưởng trường THCS Bùi Quang Mại (Đông Anh, Hà Nội) xác nhận nhiều năm nay thầy T. không lên bục giảng vì lí do sức khỏe.
Theo ông Đống, những năm đầu về công tác sức khỏe thầy T. ổn định. Nhưng sau này do bị bệnh, khi nào sức khỏe yếu thầy ấy xin nghỉ. Vài năm trở lại đây, bệnh tình của thầy T. trở nặng, có những đợt phải nghỉ một vài tháng đến một năm.
Thầy giáo đã viết đơn xin ra khỏi ngành
Cũng theo ông Phó Hiệu trưởng, vẫn biết thầy T. không đứng lớp vẫn nhận lương đều, vẫn được xếp loại thi đua, ông Đống cho rằng nhà trường căn cứ vào quy chế thi đua nội bộ, trong đánh giá thi đua cũng một phần dựa trên yếu tố “nhân văn”.
Lãnh đạo nhà trường cũng nhận trách nhiệm trong công tác quản lý và khẳng định trong thời gian tới sẽ xử lý các vấn đề liên quan.
Vị phó Hiệu trưởng này cho rằng, sau khi có vấn đề đó nhà trường đã họp với thầy T. và ban giám hiệu nhà trường đã nhận sự chỉ đạo của cấp trên là phòng GD&ĐT Huyện Đông Anh về vụ việc này.
“Về giải pháp trước mắt, trường đã kiến nghị cho ông T., giáo viên biên chế chính thức, dạy môn tiếng Anh, suốt nhiều năm liền không đứng lớp giảng dạy, ra khỏi ngành. Chúng tôi đã yêu cầu vợ thay chồng viết đơn để ra khỏi ngành và khép lại sự việc luôn. Hiện tại đơn của thầy xin ra khỏi ngành đã xong”- ông Đống nói.
Cũng theo ông Đống, nhà trường đã báo cáo sự việc và phòng giáo dục GD&ĐT Đông Anh cũng quan điểm để thầy giáo ra khỏi ngành.
Vị lãnh đạo này cũng chưa đề cập đến vấn đề xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể,… khi để xảy ra sự việc trên.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết