Trái đất nóng lên là điều rõ ràng nhưng nhiều nơi vẫn đang phải hứng chịu cái giá rét kỷ lục.
Chúng ta đều biết con người đang phải đối mặt với vấn đề nóng lên toàn cầu trong nhiều năm qua – tác hại của ô nhiễm môi trường và một số yếu tố khác. Nhưng mùa đông không vì thế mà ấm lên, thậm chí ở một số nơi còn có cảm giác lạnh đi.
Thực tế, vẫn có những khu vực và thời điểm mùa đông có nhiệt độ tăng hơn so với ngày trước. Sự nóng lên toàn cầu khiến mùa đông trở nên vừa lạnh hơn và cũng vừa nóng hơn.
Năm 2022, nước Mỹ đang lao đao vì bão tuyết kỷ lục được Cơ quan Thời tiết Quốc gia của Mỹ miêu tả là “sự kiện chưa từng có trước đây”. Điều nghe tưởng như nghịch lý là năm 2022 được dự đoán là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận tại Mỹ, đạt nhiệt độ 1,96 độ C cao hơn so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Thế nhưng mùa đông thì lại lạnh hơn nhiều so với trước đây. Và ở bên kia bán cầu, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản,… và nhiều vùng khác cũng đang phải đối mặt với thời tiết cực đoan.
Vì sao sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến mùa đông?
Đúng là sự nóng lên toàn cầu làm cho mùa đông ấm hơn và ngắn hơn, ngay cả khi bạn không cảm thấy như vậy. Theo Climate Central, trong nửa thế kỷ qua, mùa đông ở Mỹ ấm lên trung bình 3 độ, với một số bang phía bắc ấm lên tới 5 độ.
Nhưng đồng thời, sự nóng lên toàn cầu cũng lại có thể khiến mùa đông lạnh hơn và khắc nghiệt hơn. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào năm 2021, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự nóng lên ở Bắc Cực gây ra sự gián đoạn trong xoáy cực ở tầng bình lưu. Sự gián đoạn này có thể liên quan đến thời tiết cực lạnh ở các vùng Bắc Mỹ và Châu Á.
Xoáy cực
Theo NOAA (Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ), một xoáy cực ổn định thường ở xa hơn về phía bắc và không khí lạnh thường di chuyển từ tây sang đông. Nhưng một xoáy cực bị gián đoạn hoạt động khác – nó có thể di chuyển xa hơn về phía nam và không khí có thể chảy theo hình gợn sóng hơn.
Nghiên cứu cho thấy những thay đổi ở Bắc Cực đang khiến xoáy tầng bình lưu giãn ra, từ đó gây ra nhiệt độ cực lạnh. Theo các nhà nghiên cứu, một ví dụ là đợt lạnh ở Texas vào đầu năm 2021.
Sự nóng lên toàn cầu cũng có thể gây ra thời tiết mùa đông khắc nghiệt theo những cách khác. Nhiệt độ ấm hơn có nghĩa là bầu không khí ấm hơn. National Geographic giải thích rằng khi bầu khí quyển ấm hơn, nó có thể giữ nhiều hơi ẩm hơn, gây ra sự gia tăng lượng mưa. Do đó, tuyết rơi nhiều hơn khi nhiệt độ dưới mức đóng băng. Điều này có thể gây ra những trận bão tuyết dữ dội hơn.
Vì vậy, về cơ bản, tùy thuộc vào nơi bạn sống trên thế giới, một mùa đông cực lạnh có thể thực sự là do sự nóng lên toàn cầu. Mặc dù nhiệt độ trong mùa đông được cho là vẫn ấm hơn về tổng thể, nhưng việc tìm hiểu về các khả năng khác là rất quan trọng vì nó có thể giúp chúng ta hiểu tất cả những cách mà biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống loài người.
Hậu quả của mùa đông lạnh hơn hoặc nóng hơn
Thời tiết mùa đông khắc nghiệt không chỉ đơn giản là nhiệt độ lạnh hơn một chút trong một hoặc hai ngày. Nhiệt độ cực lạnh và bão mùa đông khắc nghiệt có thể gây ra một số hậu quả. Những đợt rét bất ngờ và bão tuyết có thể khiến giao thông và công việc bị đình trệ, gây mất điện và tạo ra những tình huống nguy hiểm trên đường.
Cơn bão tuyết Elliot ở Mỹ hiện tại đã làm ít nhất 34 người thiệt mạng, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của 200 triệu người và con số thiệt hại về mọi mặt được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục gia tăng.
Một vấn đề lớn khác là hậu quả to lớn của thời tiết lạnh đối với nông nghiệp. Có một số loại cây ăn quả cần có những giờ lạnh cần thiết cho sự phát triển. Mùa màng cũng có thể bị phá hủy do sự thay đổi liên tục giữa đóng băng và tan băng. Nhìn chung, mùa đông ấm hơn không đẹp như vẻ ngoài của chúng, và mùa đông lạnh hơn cũng không vô hại. Dưới sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, mọi khía cạnh của đời sống đều phải chịu tác động tiêu cực.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết