Áp dụng 6 phương pháp nuôi dạy con dưới đây của người Hà Lan, trẻ lớn lên dễ hạnh phúc và thành công.
Cha mẹ Hà Lan nằm trong số những người hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng một năm sau khi làm mẹ, Rina Mae Acosta – một nhà văn và người sáng lập blog về cách nuôi dạy con cái, tình cờ đọc được một báo cáo của UNICEF năm 2013 nói rằng trẻ em Hà Lan cũng là những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới.
Đây là phần tiếp theo của báo cáo được thực hiện vào năm 2017, trong đó Hà Lan lần đầu tiên được coi là một ví dụ điển hình về sự phát triển của trẻ. Trong khi đó, Anh và Mỹ xếp ở hai vị trí thấp nhất ở BXH này.
Một số tổ chức khác, bao gồm Nhóm hành động vì trẻ em nghèo của Anh và Diễn đàn kinh tế thế giới, cũng đã xếp hạng trẻ em Hà Lan rất cao về mức độ hạnh phúc cá nhân.
Vậy cha mẹ Hà Lan đã nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới như thế nào? Để giải đáp thắc mắc đó, Rina Mae Acosta đã nghiên cứu và viết một cuốn sách về cách nuôi dạy con của người Hà Lan với đồng tác giả Michele Hutchison. Cuối cùng, Rina Mae Acosta đã tìm ra được 6 bí mật giải thích tại sao trẻ em ở đây lại hạnh phúc như vậy:
1. Trẻ được ngủ đủ giấc
Một nghiên cứu từ Tạp chí Tâm lý học Phát triển Châu Âu đã xem xét sự khác biệt về tính khí giữa trẻ sơ sinh của Hoa Kỳ và Hà Lan. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Những đứa trẻ Hà Lan hay cười và thích được ôm ấp hơn những đứa trẻ ở Mỹ”.
Theo nghiên cứu, sự bình tĩnh của trẻ sơ sinh Hà Lan một phần là do thời gian ngủ điều độ hơn và có các hoạt động cường độ thấp hơn. Còn các bậc cha mẹ Mỹ thường xuyên cho con tiếp xúc với nhiều trải nghiệm mới.
Mặt khác, cha mẹ Hà Lan tập trung vào các hoạt động hàng ngày ở nhà, coi trọng tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi đều đặn. Cha mẹ Hà Lan không có bất kỳ khoan nhượng nào về giấc ngủ của con và điều đó đồng nghĩa với việc, họ cũng sẽ được nghỉ ngơi đầy đủ hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình người Hà Lan ngủ nhiều hơn bất kỳ ai khác trên thế giới: Tổng cộng là 8 tiếng 12 phút mỗi đêm.
2. Cha mẹ dành nhiều thời gian cho con cái
Năm 1996, Chính phủ Hà Lan quyết định trao cho nhân viên bán thời gian quyền bình đẳng như nhân viên toàn thời gian, mở đường cho sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ. Có thể nói, văn hóa làm việc bán thời gian là một lý do khác khiến mọi người ở đây hạnh phúc. Theo một nghiên cứu của OECD năm 2018, Hà Lan có tuần làm việc ngắn nhất thế giới đối với các chuyên gia kinh doanh.
Gần một nửa dân số trưởng thành của Hà Lan làm việc bán thời gian, với 26,8% nam giới làm việc dưới mức tối đa 36 giờ một tuần và 75% phụ nữ làm việc bán thời gian. Điều này xảy ra ở mọi lĩnh vực, từ lao động phổ thông đến chuyên gia.
Giống như các đồng nghiệp nữ, hầu hết các ông bố Hà Lan đều cố gắng làm việc toàn thời gian chỉ trong vòng 4 ngày/tuần. Điều này cho phép họ có ít nhất 1 ngày mỗi tuần để dành thời gian cho con cái. Thời gian nghỉ này thường được gọi là “Papadag”, về cơ bản có nghĩa là “Ngày của bố”.
3. Trẻ em cảm thấy bớt áp lực phải xuất sắc ở trường
Trong tất cả các quyết định nuôi dạy con, việc chọn trường dường như là một trong những quyết định cơ bản nhất. Trong đó, việc con có điểm trung bình cao và vào được các trường “xịn sò” là điều cha mẹ mong ước hơn cả. Nhưng ở Hà Lan, chỉ cần được đến trường, đi học thôi cũng được coi là con đường dẫn đến hạnh phúc và sự phát triển cá nhân của trẻ rồi.
Có hai loại bằng cấp giáo dục đại học ở Hà Lan: Bằng cấp định hướng nghiên cứu do các trường đại học cấp và bằng cấp định hướng nghề nghiệp do các trường cao đẳng cấp. Bạn chỉ cần vượt qua kỳ thi trung học là đã có thể được nhận vào hầu hết các chương trình.
“Các trường học ở đây đầu tư nhiều vào động lực hơn là thành tích. Thành tích là điều mà các trường học ở Pháp và Anh tập trung vào, nhưng nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng các kỹ năng xã hội là công cụ mang lại hạnh phúc. Chúng quan trọng hơn nhiều so với chỉ số IQ của một người”, Ruut Veenhoven, Giáo sư về hạnh phúc tại Đại học Erasmus, Rotterdam nói.
4. Trẻ được khuyến khích bày tỏ ý kiến của mình
Trong một gia đình Hà Lan, con cái kể cả con út cũng đều có tiếng nói. Nuôi dạy con dựa trên đàm phán không dành cho những bậc cha mẹ… yếu tim. Bởi nó vô cùng mệt mỏi và đòi hỏi sự kiên nhẫn của cha mẹ. Nhưng bằng cách cho phép trẻ thương lượng, chúng ta đang dạy con cách thiết lập ranh giới của riêng mình.
Là cha mẹ, điều quan trọng là chúng ta phải giải thích rõ ràng quan điểm của mình và cho trẻ biết, chẳng hạn như tại sao trẻ cần ngủ sớm: “Để con có thể nghỉ ngơi nhiều và lớn lên khỏe mạnh, cao lớn như mọi người”.
5. Nguyên tắc bàn ăn
Ngồi vào bàn ăn, đặc biệt là trước khi ngày mới bắt đầu là một thói quen cơ bản trong cuộc sống gia đình của người Hà Lan. Trước bất kỳ bữa ăn nào, cả gia đình sẽ không ăn cho đến khi mọi người, bao gồm cả trẻ em, ngồi vào bàn. Đó là một dấu hiệu của sự tôn trọng. Mỗi người đều có giá trị riêng của mình.
Theo báo cáo của UNICEF, 85% trẻ em Hà Lan (từ 11 đến 15 tuổi) tham gia khảo sát cho biết chúng ăn sáng cùng gia đình hàng ngày. Ăn sáng không chỉ liên quan đến việc cải thiện kết quả học tập và giảm các vấn đề về hành vi, mà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng nó khuyến khích sự gắn kết gia đình và thúc đẩy sự phát triển bản sắc lành mạnh.
6. Trẻ em được khuyến khích đi xe đạp
Có một sự thật là người Hà Lan không thích ô tô. Lý do là bởi địa hình nơi đây bằng phẳng và có hẳn mạng lưới đường dành cho xe đạp, do vậy đi xe đạp là cách đi lại thiết thực và hiệu quả nhất.
Dù trời mưa rất nhiều ở Hà Lan, nhiệt độ mùa đông trung bình từ 1,6 độ C – 4,4 độ C và có gió mạnh, nhưng cha mẹ Hà Lan không coi đó là điều cản trở con cái của mình đi xe đạp. Nó chỉ đơn giản là cha mẹ sẽ mặc thêm đồ cho con cái nếu trời lạnh, mặc áo mưa và đi ủng khi trời mưa.
Đạp xe trong mọi điều kiện thời tiết thực sự là một trải nghiệm giúp trẻ hình thành tính cách. Trẻ em được khuyến khích đạp xe ở mọi nơi và trong mọi thời tiết vì điều đó dạy chúng bền bỉ. Con trẻ học được rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng đầy nắng và đầy cầu vồng, vậy nên phải học cách đối mặt với mưa và không bỏ cuộc.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết