Một nam du khách người New Zealand trượt chân ngã từ độ cao 10m và tử vong khi cố chụp ảnh với công trình lịch sử ‘đường sắt tử thần’ tại Thái Lan, bất chấp cảnh báo từ hướng dẫn viên du lịch.
Theo nhật báo Khaosod, cảnh sát huyện Sai Yok (tỉnh Kanchanaburi, miền tây Thái Lan) cho biết vụ tai nạn xảy ra lúc 11h50 ngày 27-12. Một du khách nước ngoài đã bị hụt chân, ngã từ độ cao 10m và tử vong khi cố trèo ra bên ngoài cửa sổ để selfie với công trình kiến trúc lịch sử “đường sắt tử thần” đoạn ở đường hầm Krasae.
Nạn nhân được xác nhận là một người New Zealand, 45 tuổi.
Với địa hình hiểm trở tại khu vực xảy ra tai nạn nên các cảnh sát, nhân viên cấp cứu Bệnh viện huyện Sai Yok và lực lượng cứu hộ địa phương đã phải lắp một ròng rọc tạm thời để có thể kéo thi thể nam du khách từ dưới vách núi lên bên trên.
Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực thực hiện các biện pháp sơ cứu và ép tim ngoài lồng ngực trong suốt 30 phút, nhưng những vết thương nghiêm trọng trên cơ thể với cánh tay phải và bị gãy cổ khiến người đàn ông này đã không qua khỏi.
Đại tá Phuchong Narong In, chỉ huy đồn cảnh sát địa phương, cho biết theo khai báo của hướng dẫn viên du lịch đoàn khách trên, nam du khách này sau khi đi vệ sinh đã chồm người ra bên ngoài cửa sổ toa tàu để chụp ảnh với phần bên ngoài của đoàn tàu và xảy ra tai nạn.
Chia sẻ với tờ Thairath, ông Prairat Butdawong, chủ Công ty du lịch JRT Tour, cho biết tuyến “đường sắt tử thần” là một di tích lịch sử vô cùng hút khách tại xứ sở chùa vàng và kể từ khi mở cửa đón du khách từ năm 2004 đến nay, đây là vụ tai nạn đầu tiên xảy ra tại công trình này.
Cũng theo ông Prairat, tuyến “đường sắt tử thần” là một công trình kiến trúc lịch sử nguy hiểm nên trong các tour du lịch tham quan địa điểm này, các hành khách vẫn luôn được dặn phải ngồi tại chỗ trong các toa tàu và chỉ có thể chụp hình từ bên trong cửa sổ.
Tuyến “đường sắt tử thần” được xây dựng vào năm 1943 trong Thế chiến II với chiều dài 415km, kết nối huyện Ban Pong, tỉnh Ratchaburi, miền đông bắc Thái Lan và thị trấn Thanbyuzayat, thành phố Mawlamyine thuộc Miến Điện (nay là Myanmar).
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết