Các nhà khoa học gọi những chuyển động của trẻ sơ sinh trong bụng mẹ “sự lang thang của cảm giác”.
Sau nhiều thế kỷ chưa có lời giải đáp về lí do khiến trẻ sơ sinh thường đạp vào bụng mẹ, cuối cùng các nhà khoa học đến từ Đại học Tokyo đã tìm ra câu trả lời.
Cụ thể, nghiên cứu mới nhận thấy các chuyển động tự phát của thai nhi là một cách giúp chúng tự rèn luyện cơ thể nhỏ bé của mình. Trung bình, trẻ trong bụng mẹ sẽ bắt đầu ngọ nguậy, lăn lộn, đạp vào bụng mẹ từ tuần 16 của thai kỳ. Việc “tập thể dục trong tử cung” này đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển sớm của trẻ, bao gồm cả sự phối hợp giữa tay và mắt.
Trong quá trình quan sát và nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy thai nhi di chuyển theo các tương tác cảm biến vận động khác nhau. Họ đặt cho hiện tượng này cái tên vô cùng đáng yêu, đó chính là “sự lang thang của cảm giác”.
Một nghiên cứu trước đó từng đưa ra kết luận rằng một cú đạp của thai nhi trong tử cung có thể mang lực lên đến 4,5kg. Những cú đạp “không lí do” này từng khiến các nhà khoa học bối rối trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, mô hình nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng các hoạt động thể chất này thực chất lại chính cách trẻ sơ sinh học cách kiểm soát cơ thể của mình.
Người ta thường cho rằng sự phát triển của hệ thống cảm biến vận động phụ thuộc vào sự xuất hiện của các tương tác cảm biến vận động được lặp đi lặp lại. Nói một cách dễ hiểu, người ta tin rằng bạn càng thực hiện cùng một hành động nhiều lần thì bạn càng có nhiều khả năng học và ghi nhớ nó.
Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh và thai nhi, hệ thống cảm biến vận động của chúng dựa trên hành vi khám phá và sự tò mò. Vì vậy, chúng sẽ không chỉ lặp lại một hành động mà sẽ lặp lại nhiều hành động khác nhau. Ngoài ra, những phát hiện của nghiên cứu cũng cung cấp khái niệm về mối liên hệ giữa các chuyển động tự phát sớm với hoạt động thần kinh tự phát.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết