Mặc dù kết quả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hiện vẫn chưa rõ, nhưng điều này chắc chắn đã làm thay đổi trật tự an ninh châu Âu theo nhiều cách quan trọng.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến nhiều nước châu Âu bất ngờ. Hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu đều hạ thấp cảnh báo trước đó của Mỹ về một cuộc tấn công sắp diễn ra, cho rằng giải pháp ngoại giao có thể đem lại mối quan hệ ổn định hơn. Chiến dịch diễn ra đã làm mọi thứ thay đổi.
Chiến dịch của Nga ở Ukraine mang lại 2 tác động. Thứ nhất, chi tiêu quốc phòng tại các nước châu Âu gia tăng. Sau nhiều năm trì trệ, hầu hết các thành viên NATO ở châu Âu đều bất ngờ tuân thủ việc chi tiêu ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng tăng thêm 0,5% GDP cho chi tiêu quốc phòng chỉ riêng trong năm 2022.
Thứ hai, NATO sẽ được củng cố. Ngoài việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở các nước thành viên nằm sát Nga, liên minh này dự kiến sẽ kết nạp thêm thành viên mới, có thể là Phần Lan và Thụy Điển. Cả 2 đều đã tăng cường mối quan hệ với NATO kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và xung đột bùng phát ở miền Đông Ukraine. Hiện cả Helsinki và Stockholm đều có những động thái quan trọng hướng tới việc chính thức gia nhập khối.
Thay đổi lập trường vì xung đột Nga-Ukraine
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển không còn coi việc gia nhập NATO là một lựa chọn chiến lược, mà đã trở thành hành động bắt buộc vì sự tồn tại.
Báo Iltalehti của Phần Lan ngày 25/4 cho biết chính phủ Thụy Điển đã bày tỏ mong muốn cùng Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO trong tuần 20, tức ngày 16-22/5.
Báo Expressen của Thụy Điển cũng xác nhận thông tin này. Truyền thông hai nước cho biết Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto sẽ đến Stockholm, Thụy Điển vào ngày 17-18/5. Sau đó, lãnh đạo hai nước sẽ chính thức công bố kế hoạch gia nhập liên minh.
Theo Expressen, trước đó, Phần Lan đã bày tỏ nguyện vọng với chính phủ Thụy Điển rằng hai nước sẽ cùng nhau nộp đơn gia nhập NATO.
Trong cuộc họp báo chung ở Stockholm với người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson ngày 13/4, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói rằng “cần phải chuẩn bị cho mọi hành động từ Nga”. Bà cho biết lựa chọn gia nhập NATO phải được phân tích kỹ lưỡng, nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trên thực tế, việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên chính thức của NATO sẽ mang tính tiến triển nhiều hơn là đột phá. Cả 2 nước đều đã là đối tác của NATO, được nhận các báo cáo an ninh và tham gia các cuộc tập trận chung với liên minh quân sự này. Cả 2 nước cũng cho phép NATO tiếp cận lãnh thổ trong những trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, việc trở thành thành viên chính thức sẽ giúp Stockholm và Helsinki được bảo vệ theo Điều 5 của NATO , trong đó quy định một cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào tất cả các thành viên còn lại.
Cấu trúc an ninh châu Âu sẽ thay đổi đáng kể
Việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO, vốn là điều không tưởng cách đây 4 tháng, sẽ là sự thay đổi lớn nhất đối với an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bidlt nhận định, cấu trúc an ninh châu Âu sẽ thay đổi theo 2 cách quan trọng. Thứ nhất, Bắc Âu sẽ có khả năng điều phối các lực lượng phòng thủ đáng kể trên toàn khu vực. Thụy Điển và Phần Lan cũng sẽ cung cấp cho NATO những khả năng mới quan trọng, như đã được chứng minh qua các cuộc tập trận không quân thường xuyên mà khối này tổ chức với Na Uy. Hơn nữa, NATO sẽ có năng lực lớn hơn để kiểm soát Biển Baltic, từ đó hỗ trợ việc bảo vệ Estonia, Latvia và Litva.
Thứ hai, việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO sẽ củng cố trụ cột châu Âu trong NATO. Cả hai quốc gia đều ủng hộ phát triển khía cạnh quốc phòng và an ninh của EU cũng như tăng cường quan hệ xuyên Đại Tây Dương, bao gồm cả mối quan hệ an ninh quan trọng với Vương quốc Anh. Trong khi NATO vẫn đóng vai trò chính trong việc bảo vệ lãnh thổ, EU – với các chính sách rộng hơn – sẽ trở thành một liên minh an ninh ngày càng quan trọng. Sự phối hợp giữa hai bên sẽ ngày càng sâu sắc hơn.
Đan Mạch dự kiến tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 1/6 về việc dỡ bỏ các hạn chế đối với sự tham gia của nước này vào các chính sách an ninh và quốc phòng của EU. Những ràng buộc này là tàn tích của những tranh cãi từ đầu những năm 1990 và Đan Mạch – cùng với Thụy Điển – đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP.
Kết hợp lại với nhau, các yếu tố trên sẽ làm tăng cường đáng kể tiềm năng phòng thủ của toàn bộ khu vực Bắc Âu-Baltic.
Mặt khác, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bidlt cũng cho rằng, Bắc Âu cần phải thận trọng để không khiêu khích Nga, quốc gia có các nguồn lực và trung tâm kinh tế quan trọng gần cả Thụy Điển và Phần Lan. St. Petersburg là thành phố lớn thứ hai của Nga và là một khu công nghiệp lớn; và Bán đảo Kola là nơi đặt các căn cứ tàu ngầm và các cơ sở khác của Nga, cũng là nơi tập trung vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cũng có thể khiến các quốc gia khác đã là thành viên của EU nhưng chưa phải thành viên của liên minh quân sự này phải suy nghĩ lại.
Bất kể kết quả thực tế như thế nào, sự mở rộng của NATO sẽ bị Nga coi là hành động khiêu khích. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 14/4 cảnh báo nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Moscow sẽ tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm triển khai vũ khí hạt nhân ở Baltic.
Lời cảnh báo của Nga cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, mặc dù thực tế điều đó không phải là mới. Vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga được cho là đã đặt tên lửa Iskander, có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường, ít nhất là từ năm 2018./.
Lifehub tổng hợp