Ngay sau khi “xong việc”, nhện đực Philoponella lập tức phóng xa con cái để thoát thân, nếu không chúng sẽ thành bữa ăn của bạn tình.
Nhện dệt quả cầu Philoponella thường sống theo bầy đàn có khi lên tới 215 con, theo công bố trên tạp chí Current Biology . Tác giả nghiên cứu Shichang Zhang, phó giáo sư tại Trường ĐH Hồ Bắc cho biết các loại nhện khác nhau, bao gồm cả Philoponella, thường ăn thịt bạn tình ngay sau khi vừa giao phối.
Để thoát thân, nhện đực Philoponella sẽ phóng xa con cái ngay lập tức khi vừa “xong việc”. Đây là lần đầu tiên khi nghiên cứu về loài nhện các nhà khoa học chỉ ra được điều này.
Thực tế, các nhà nghiên cứu đã quan sát tỉ mỉ 155 lần giao phối thành công của nhện Philoponella, trong môi trường phòng thí nghiệm. “152 trường hợp nhện đực phóng xa khỏi nhện cái sau khi giao phối và chúng giữ được tính mạng” – phó giáo sư Shichang Zhang cho biết trong khi 3 con nhện đực “chậm chân” khiến bị con cái ăn thịt.
Giải thích về nguyên nhân 3 con đực bị con cái ăn thịt sau khi vừa giao phối, nhà nghiên cứu Zhang nói: “Khả năng nhận biết nguy hiểm của chúng thấp hoặc do chúng đã kiệt sức khi giao phối. Cũng có thể chúng không thể thực hiện cú phóng xa để thoát thân”.
Sử dụng thiết bị quay tốc độ cao để ghi lại những cú phóng thoát thân của nhện đực, các nhà nghiên cứu nhận thấy, nhện đực thường dùng chân trước đè vào con cái, sau đó bật nhảy khỏi bạn tình với tốc độ lên tới 88 cm/giây. Loài nhện Philoponella cũng có thể quay tới 469 vòng/giây trong khi phóng đi để tránh bị con cái ăn thịt.
“Tôi cho rằng chủ yếu là để tránh con cái, việc phóng và quay vòng khiến con cái khó bắt được nó” – nhà nghiên cứu này nhận định.
Khi các nhà nghiên cứu cố tình ngăn để một số nhện đực không thể phóng đi, tất cả những con này đều bị con cái ăn thịt. Họ tin rằng phóng xa khỏi con cái là kỹ năng sinh tồn cần thiết của nhện đực. Bên cạnh đó, nhện đực cũng dùng tơ để “trói” con cái trước khi “cao chạy xa bay”.
Nghiên cứu còn cho thấy nếu nhóm của phó giáo sư Zhang “khống chế” một hoặc cả hai chân trước, nhện đực vẫn sẽ “tán tỉnh bạn gái” nhưng không cố gắng giao phối.
Chưa rõ tại sao nhện cái lại “xơi tái” nhện đực sau khi giao phối nhưng có thể đó là “bài kiểm tra của nhện cái xem nhện đực có xứng đáng làm bố của con mình hay không” – nhà nghiên cứu Zhang nhận định.
Không giống như các loài động vật có vú, nhện cái có một túi trong đường sinh sản gọi là ống sinh tinh để chứa tinh trùng và ngăn không cho nó gặp trứng. Sau khi giao phối, nhện cái sẽ quyết định có sử dụng tinh trùng của nhện đực để sinh sản hay không.
“Nếu muốn, nhện cái sẽ ép cho tinh trùng gặp trứng, còn nếu không nó có thể ép tinh trùng ra khỏi cơ thể hoặc thay đổi độ pH của túi chứa tinh trùng và tiêu diệt số tinh trùng này”, ông Zhang nói thêm.
Lifehub tổng hợp