Đau dạ dày là tình trạng dạ dày bị tổn thương chủ yếu là do bị viêm loét. Căn bệnh này đang là nỗi ám ảnh với giới văn phòng vì tính chất công việc ít vận động, ăn uống không đúng giờ.
Đau dạ dày (hay đau bao tử) để chỉ tình trạng tổn thương, viêm nhiễm bên trong niêm mạc dạ dày. Đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện của những cơn đau ở vùng thượng vị kèm theo tình trạng chán ăn, ợ chua, buồn nôn…
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, Hà Nội, thông tin về các nguyên nhân khiến căn bệnh này lại hay gặp ở người làm công việc văn phòng:
1. Ăn uống không đúng giờ giấc
Bận rộn cùng thói quen dậy muộn, nhiều người bỏ qua bữa sáng. Bữa trưa có khi cũng để đến 13-14h chiều. Bữa tối, họ lại thường ăn rất muộn và ăn nhiều.
Lượng thức ăn nạp vào cơ thể không theo nhịp sinh học bình thường (sáng, trưa ăn nhiều, tối ăn ít). Vì vậy, dịch vị dạ dày (axit HCl) tiết ra quá mức sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
2. Ăn quá nhanh
Không ít người ăn trưa muộn, ăn thật nhanh, nhai không kỹ thức ăn xuống dạ dày vẫn ở dạng thô, chưa được trộn đều với men tiêu hóa trong nước bọt, làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Dịch dạ dày phải tiết nhiều hơn để tiêu hóa. Đây là nguyên nhân của những cơn đau dạ dày cấp tính.
3. Không rửa tay trước khi ăn
Công sở, bàn làm việc, bàn phím, chuột, tay nắm cửa…. đều là những ổ vi khuẩn lớn. Nếu không có thói quen rửa tay trước khi ăn, vi khuẩn dễ dàng tấn công khiến người là công việc ở văn phòng dễ mắc các bệnh về đường ruột chẳng hạn viêm dạ dày cấp tính, đau dạ dày…
4. Vừa ăn vừa làm việc
Một thói quen tai hại của dân văn phòng là vừa ăn vừa làm việc khác. Họ biến bàn làm việc thành bàn ăn, vừa ăn vừa nhìn máy tính, lướt facebook, đọc báo… Hành vi này khiến não phải xử lý quá nhiều thứ cùng lúc, quá trình tiêu hóa không thông suốt. Dạ dày phải tiết nhiều axit hơn, co bóp chậm, lâu hơn, axit tấn công dạ dày trong thời gian dài hơn, lâu dần dẫn tới tình trạng viêm loét.
5. Ăn xong nằm nghỉ luôn
Công việc bận rộn, giờ nghỉ ít, nhiều người làm văn phòng vừa ăn tại bàn làm việc rồi ngủ luôn khiến lưu thông máu tới ruột kém. Thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ gây đầy hơi, chướng bụng, gây ra những bệnh dạ dày, bệnh đường ruột.
6. Lạm dụng cà phê, trà đặc
Cà phê, trà… là thức uống được nhiều người ưa chuộng giúp làm giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung. Tuy nhiên trà có nhiều tanin, khiến cho niêm mạc dạ dày co lại, chất protein bị kết tủa, đồng thời làm loãng dịch vị, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ chất sắt cho cơ thể.
Bên cạnh đó, trà còn gây mất ngủ. Điều này sẽ khiến axit dạ dày tăng cao, lâu ngày dẫn đến viêm dạ dày. Người bệnh đau dạ dày uống cà phê vào sẽ làm tăng tiết axit và dịch dạ dày khiến các vết viêm loét tại dạ dày ngày càng lan rộng và có thể gây xuất huyết dạ dày.
7. Ít vận động
Ngồi liên tục nhiều giờ mà không đứng dậy, cơ thể thiếu vận động khiến nhu động dạ dày – ruột giảm, dịch tiêu hóa bài tiết cũng giảm.
Điều này khiến cơ thể mệt mỏi, kém linh hoạt, thụ động tăng nguy cơ béo phì, tăng áp lực lên dạ dày dẫn tới đau dạ dày, ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống.
8. Hút thuốc, uống rượu bia
Những người làm công việc văn phòng, nhất là cánh mày râu, thường tụ tập nhậu sau giờ làm. Những cuộc nhậu kéo dài hàng giờ, sẽ khó tránh việc phải uống rượu bia, hút thuốc lá… Rượu sau khi vào dạ dày, tiếp xúc với các enzym sẽ chuyến hóa thành chất gây hại cho gan, dạ dày. Thậm chí, rượu còn là dung môi để đưa các chất độc hại từ thuốc lá thấm sâu vào cơ thể thông qua các cơ quan hô hấp, tiêu hoá, gan mật, tiết niệu…
9. Căng thẳng, áp lực kéo dài
Việc tăng ca thường xuyên, làm việc với áp lực cao… gây trạng thái tâm lý căng thẳng, khiến các hormon từ tuyến yên sẽ kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit HCl hơn, đồng thời suy giảm miễn dịch tại chỗ (giảm dịch nhầy bảo vệ niêm mạc). Từ đó, tạo điều kiên để axit HCl có trong dịch vị dễ dàng tiếp xúc và gây tổn thương niêm mạc dạ dày, hình thành các vùng viêm loét.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết