Cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu hay còn gọi là Rằm tháng Giêng được lưu truyền trong dân gian với nhiều giai thoại khác nhau. Thế nhưng tất cả các giai thoại đều nhằm mục đích nhắc nhở mọi người nhớ về tổ tiên, cội nguồn và thành tâm cầu Phật để quanh năm được ấm no, hạnh phúc.
Dân gian xưa có câu “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”, bởi quan niệm đây là thời điểm Phật giáng lâm, thích hợp lễ cầu an, cúng sao giải hạn… Năm Nhâm Dần 2022, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ 3, ngày 15/2/2022 dương lịch.
Cũng theo quan niệm xưa, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm là tốt nhất. Bởi đây là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm. Tương truyền, vào chính thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, may mắn và bình an suốt năm.
Nguồn gốc ngày Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng)
Rằm tháng Giêng, Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên là một trong 4 ngày rằm lớn trong năm của nước ta. Vào ngày này người dân thường cúng bái tổ tiên, trời đất và lên chùa, đi lễ để cầu bình an trong cuộc sống.
Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán cũng như nhiều ngày Tết khác của người Việt, đều có sự ảnh hưởng từ các tích truyện của Trung Quốc. Khi về đến Việt Nam, qua sự tiếp biến văn hóa, các phong tục, ngày lễ này đều có sự thay đổi ít nhiều. Tuy nhiên, cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, nước ta đồng thời có sự du nhập của Phật giáo, ảnh hưởng đến nhiều phương diện truyền thống, trong đó có ngày Tết Nguyên Tiêu. Nhờ sự hỗn dung văn hóa này, Tết Nguyên Tiêu cũng có ít nhiều sự biến đổi.
Rằm tháng Giêng theo phong tục của người Việt
Theo truyền thống Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, dân chúng lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.
Theo quan niệm xưa cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm là tốt nhất và linh thiêng nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu vì sao việc cúng lễ trong ngày Rằm tháng Giêng lại được coi trọng như vậy.
Tết Nguyên Tiêu có 3 tích truyện
Thứ nhất, ngày Rằm tháng Giêng là ngày Vía Phật. Đây là ngày Rằm đầu tiên trong năm mới. Tất cả những may mắn nhất của năm mới đều ở ngày này.
Vậy nên, đối với những người theo đạo Phật, trừ ngày mùng 1 Tết thì đây là ngày lễ đầu tiên trong năm. Họ lên chùa thắp nén nhang, cầu xin một sự may mắn.
Tích thứ hai, ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên tiêu. Thời xưa có một vị vua cứ đến ngày Rằm tháng Giêng là cho mời các trạng nguyên vào hầu triều và để nói chuyện đầu năm. Sau khi các quân vào hầu triều, buổi trưa họ được vua thiết đãi yến tiệc.
Thiết đãi yến tiệc xong, buổi tối, vua và các trạng vào vườn Thượng Uyển để ngắm trăng và vịnh thơ. Các ông trạng sẽ thi nhau đọc thơ để cho vua nghe.
Từ đó, người ta coi ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên tiêu, là ngày Tết của các vị vua và trạng.
Thứ ba, ngày Tết Nguyên tiêu là ngày Rằm đầu tiên của tổ tiên, dòng họ trong năm mới. Do vậy, chúng ta cũng cần phải lễ tổ tiên trong gia đình.
Trong ngày này, người Việt thường đi lễ chùa và làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng với người đã khuất và mong một năm mới an lành, may mắn.
Cũng theo quan niệm xưa, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm, giờ Ngọ (từ 11h trưa đến 1h chiều) là thời điểm tốt nhất. Mọi người tin rằng, đây là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.
Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được thời gian trên, gia chủ có thể làm lễ cúng trong khoảng thời gian từ sáng ngày 14 tháng Giêng đến trước 19h ngày 15 tháng Giêng.
Rằm tháng Giêng nên và không nên làm gì?
– Dọn dẹp ban thờ: Trước khi tiến hành cúng, gia chủ cần phải dọn dẹp ban thờ tỉ mỉ, cẩn thận. Khi làm việc này gia chủ chú ý không nên xê dịch bát hương. Trước khi lau dọn cần thắp một nén nhang xin tổ tiên về việc sẽ lau dọn bàn thờ để cúng Rằm.
– Nên thắp hương theo số lẻ: Khi thắp hương, người dân thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Chỉ nên thắp từ 1 đến 3 nén hương trên mỗi bát hương.
- 1 nén hương còn được gọi là Bình An hương. Thắp 1 nén hương thường là thờ cúng thần linh trong nhà. Nếu thắp 1 nén hương chỉ có phần Nhân ở đó, nhằm duy trì bàn thờ hàng ngày.
- 3 nén hương theo đạo Phật còn được gọi là Tam Bảo Hương còn thông thường trong dân gian gọi là Tam Tài Thiên – Nhân – Địa. Ba nén hương có thể linh ứng báo tin, bảo vệ người trong nhà và đánh đuổi tai ương.
- Thắp 5 nén hay dùng khi cầu cúng tiền tài hoặc thắp hương ban thần tài mùng 1, ngày rằm.
- Thắp 7 nén dùng để mời gọi thiên thần, thiên binh thiên tướng, nếu không bất đắc dĩ thì không nên thắp số hương này.
- Thắp 9 nén là dâng tới hàng Phật… Tùy đàn lễ lớn nhỏ mà thỉnh mời, dâng hương. Tuy nhiên, người ta khuyên không nên dùng 9 nén hương tại bàn thờ nhà, bàn thờ tại gia.
– Không dùng hoa quả giả: Nên mua hoa tươi để dâng trên ban thờ. Hoa để dâng ban thờ thường là hoa cúc vàng, cúc vạn thọ, huệ trắng.
– Gia chủ khi tiến hành cúng cần phải ăn mặc trang phục chỉnh tề, khi khấn cần thành tâm, không cười nói.
– Tuyệt đối không được câu cá trong thời gian này.
Cuối cùng, Rằm tháng Giêng đánh dấu sự kết thúc tháng “ăn chơi” của người nông dân để bắt tay chuẩn bị một vụ mùa mới. Trước khi xuống đồng, người dân làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bởi vậy, từ lâu nay, mọi người luôn quan niệm “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.
Lifehub