Với hình thức tinh vi hơn, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác, đánh vào điểm yếu nhất đó là con người, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin, thực hiện chiếm đoạt tài sản.
Sự việc nhiều phụ huynh ở TP.HCM nhận được cuộc gọi thông báo “con bị tai nạn, chấn thương sọ não đang ở Bệnh viện Chợ Rẫy và cần tiền phẫu thuật gấp…” đang gây hoang mang những ngày qua.
Tuổi Trẻ đưa tin, chỉ trong sáng nay (6/3) đã có ít nhất 5 phụ huynh tìm đến bệnh viện Chợ Rẫy tìm con cùng kịch bản bị “chấn thương sọ não”.
Cụ thể, theo báo này, các phụ huynh có con từ độ tuổi từ 2009 – 2012 học cấp 2 ở nhiều trường trên địa bàn TP.HCM nhận được cuộc gọi từ người lạ tự xưng là giáo viên thông báo con mình bị té chấn thương sọ não và đang lên ca mổ gấp, yêu cầu chuyển tiền.
Người này yêu cầu các phụ huynh phải chuyển khoản để thầy giáo đóng tiền cho cháu vì đang rất gấp. Trong 5 phụ huynh đã có 2 người chuyển tiền vào tài khoản của “giáo viên”, tổng số ghi nhận 250 triệu đồng.
Với kịch bản tương tự, trước đó, ngày 3/3, anh M.T.D. (42 tuổi) và anh T.M.H. (51 tuổi) cùng ngụ tại TP Thủ Đức có con đang học tại một trường quốc tế tại TP HCM đã chuyển vào số tài khoản của ‘giáo viên’ tổng cộng 70 triệu đồng. Người còn lại chưa chuyển khoản mà trực tiếp đến bệnh viện tìm con.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, bảo vệ bệnh viện Chợ Rẫy đã lập biên bản ghi nhận và hướng dẫn các phụ huynh trình báo với Công an phường 12, quận 5 (TP.HCM).
Công an quận 5, TP HCM đang phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ thông tin cuộc gọi lừa đảo này.
Đáng lo nhất là hành vi chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook rồi dùng chính tài khoản này liên lạc đến người thân của họ vay tiền, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người bị hại. Với thủ đoạn tinh vi này, nhiều bị hại đã bị tin tưởng gửi tiền vào tài khoản do các đối tượng lừa đảo cung cấp từ vài chục triệu cho tới cả trăm triệu.
Báo VOV đưa tin, mới đây, chị N.T.H, ở Hà Nội nhận được tin nhắn messenger của đồng nghiệp nhờ vay tiền. Vì số tiền là 20 triệu đồng nên chị H. cẩn thận gọi điện video call để kiểm tra lại. Đầu dây bên kia bắt máy có hiện hình ảnh của chủ tài khoản, nhưng chỉ 3,4 giây sau cuộc điện thoại bị tắt phụt với lý do mạng kém. Nghĩ rằng, mình đã gọi điện cho chính chủ, chị H không ngần ngại chuyển khoản luôn theo thông tin người gửi. Đến tối về thấy tài khoản mạng xã hội của bạn mình có đăng thông tin đã bị kẻ gian hack facebook, gọi điện lại cho bạn, chị H. mới biết mình bị lừa.
Trường hợp của chị Hoàng Thị C. trú ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình cũng tương tự. Gần đây, chị nhận được tin nhắn trên messenger của người em họ, hiện đang định cư tại Cộng hòa Séc. Sau khi hỏi thăm nhau được vài dòng qua lại, chị C. nhận được lời đề nghị: “Em gọi video call nhé”?
Ngay sau khi chị nhắn tin đồng ý thì nhận được cuộc gọi video call từ chính facebook của em họ. Chị C. cho biết, nhìn video, em họ chị nói vài giây nhưng tiếng nói không ổn định rồi bị ngắt. Ngay sau cuộc gọi đó, đầu dây bên kia bấm gọi tiếp, lúc này chị bấm nghe thì không được. Sau đó, chị nhận tin nhắn trên messenger: “Chị ơi, mạng bên em yếu quá. Em gọi có chút việc ở Việt Nam định nhờ chị mà mạng yếu quá. Em cần tiền gửi về Việt Nam để xử lý chút việc, mà gửi tiền về Việt Nam 2 ngày mới nhận được. Nhờ chị chuyển giúp tiền cho người ta để xử lý công việc trước …”. Nghĩ em họ ở mãi bên ngước ngoài xa xôi nhờ vả, nên chị C đã chuyển số tiền 10 triệu đồng vào tài khoản mà em họ gửi.
Với thủ đoạn tương tự, mẹ chị V.T.M, (26 tuổi, đang sinh sống tại Long Biên – Hà Nội) bị lừa một số tiền lớn. Chị M. cho biết, tài khoản Facebook của một người thân bên nước ngoài nhắn đến Facebook của mẹ chị với nội dung: “Em đang cần chuyển tiền cho bạn em vào số tài khoản này với số tiền 75 triệu đồng”. Lúc này, mẹ chị M nghĩ đây là người thân trong nhà nên không chần chừ, nói với con gái để chuyển tiền.
Chị M. cho hay, trước đây mẹ con chị cũng đã đọc trên báo đài cảnh báo về lừa đảo, nên cũng có xác nhận lại bằng cách gọi điện thoại. Thế nhưng bởi vì chỉ có cách liên lạc duy nhất là qua messenger nên khi mẹ và chị M. gọi xác nhận, phía đầu dây bên kia vẫn hiện lên khuôn mặt và giọng nói của người thân. “Mình và mẹ gọi, nhưng lúc nghe được, lúc không, hình ảnh cũng rất nhòe giống như sóng chập chờn, thế nhưng các xưng hô hoàn toàn chính xác (bình thường khi mẹ gọi sang thì cậu mình sẽ bảo là vâng em đây chị ơi, đúng cái âm điệu, cũng cùng một cách xưng hô như vậy).
Tuy nhiên, trong vòng chưa đến chục giây, đầu dây bên kia báo “Hiện cậu ở chỗ cậu đang ở chỗ sóng yếu khó nghe, nên là thôi nhắn tin đi con”.
Sau khi nhắn tin thấy đúng ngữ điệu là của cậu, cho nên khi nhận được thông tin tài khoản nhận tiền, chị M. tiến hành chuyển khoản với số tiền 75 triệu đồng. Khoảng 15 phút sau, chị M. lại nhận được tin nhắn từ tài khoản cậu với nội dung: “Con nhắn với mẹ, bây giờ công việc của cậu có chút thay đổi và trục trặc nên cậu cần chuyển vào tài khoản vừa rồi thêm khoảng 170 triệu nữa”.
Lúc này, chị M. nghi ngờ bị lừa, và gọi lại nhưng phía bên kia vẫn rất khó nghe. Khi nhắn tin, lúc đầu mình vẫn nhận được câu trả lời: “cậu đây mà con”, tuy nhiên khi chị M. hỏi thêm nhiều thông tin thì tài khoản Facebook này chặn chị ngay sau đó.
Lúc này, chị M. nhận ra Facebook của người thân mình bị kẻ xấu hack nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay sau khi nhận ra mình bị lừa đảo công nghệ cao, chị M. lập tức đi khai báo cho công an và bên phía ngân hàng.
Theo các chuyên gia công nghệ, với màn kịch hoàn hảo, không khó để kẻ gian lừa đảo lấy tiền từ nạn nhân. Sau khi lấy được tài khoản của người sử dụng, các đối tượng chuẩn bị sẵn ảnh, hoặc 1 đoạn video mà chủ tài khoản đã đăng tải trước đó. Sau đó, chúng đưa hình ảnh của nạn nhân khi được yêu cầu.
Để không bị lộ, các cuộc điện thoại thường rất ngắn, chất lượng cuộc gọi thường rất thấp, chủ yếu chúng muốn cho nạn nhân nhìn thấy mặt của chủ tài khoản để lấy sự tin tưởng. Sau đó, lập tức kết thúc cuộc gọi. Khi nạn nhân thắc mắc, chúng có nhiều lý do để chống chế như đang trên đường, đường truyền mạng không ổn định, mạng yếu, hết 3G…
Ngoài các thủ đoạn lừa đảo trên, một số nạn nhân cũng sập bẫy với các chiêu trò khác hết sức tinh vi.
Theo ghi nhận của Trí Thức Trẻ, anh V.D.H (24 tuổi, sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP.Hà Nội) bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 5,5 triệu đồng, khi thực hiện giao dịch mua bán voucher Momo (mã giảm giá), thông qua một nhóm kín “Cộng đồng ZaloPay” trên mạng xã hội Facebook.
Anh H. cho biết, anh có rao bán một số voucher giảm giá Momo vì không có nhu cầu sử dụng. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của người bán, một đối tượng đã nhắn tin cho anh H và ngỏ ý muốn mua. Đối tượng này xúi giục anh H. mở ví trả sau nhằm trục lợi.
Sau khi mở ví trả sau, đối tượng chiếm đoạt tài sản đã gửi cho anh một mã QR có liên kết đến một tài khoản ở một sàn thương mại điện tử. Thực hiện liên kết tài khoản thành công, người này đã mua hàng loạt giao dịch thanh toán hóa đơn. Khi anh H. thắc mắc thì được nhận câu trả lời cứ yên tâm lát tiền sẽ hoàn lại đầy đủ.
Anh H đã yêu cầu đối tượng chuyển lại tiền đã bị trừ trong ví điện tử, nhưng đối tượng đòi anh H. phải nạp vào Momo số tiền đúng như vừa bị trừ thì mới hoàn được. Do lo sợ mất tiền và muốn lấy lại, anh H. nạp vào ví số tiền là 2.533.000 đồng.
Sau những giao dịch nhỏ lẻ, đối tượng nhanh chóng liên kết thanh toán trả sau trong ví Momo, anh H tiếp tục bị trừ 1.940.000 đồng. Để anh H không nghi ngờ, đối tượng nhắn anh H nạp thêm 593.500 đồng cũng với lời hứa hẹn phải nạp vào thì mới được hoàn tiền lại, tuy nhiên anh H bị trừ tiếp 582.000 cho hóa đơn thanh toán từ sàn thương mại điện tử.
Nhận thấy khả năng bị lừa đảo, anh H. đã tiến hành khóa hạn mức giao dịch tránh bị mất thêm tiền đồng thời phàn nàn với đối tượng, sau đó đối tương đã chặn mọi liên lạc với anh H.
Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo đầu tư… nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là tiền. Thiệt hại lừa đảo trực tuyến gây ra khó có thể ước tính được hết, vì các nạn nhân thường có tâm lý bỏ qua “mất rồi thì thôi”, ngại các thủ tục trình báo phức tạp.
Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.
Từ thực tế trên, công an khuyến cáo người dân không công khai các thông các tin cá nhân lên các trang mạng xã hội. Khi chia sẻ thông tin, cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân khi bị lừa đảo, nạn nhân phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, thực hiện các bước xác minh của cơ quan có thẩm quyền.
Với lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, phải liên hệ ngay với các ngân hàng mà mình đã thực hiện các giao dịch thanh toán, để có hoạt động tra soát những giao dịch. Nếu nhanh chóng có thể thu hồi được.
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, thiết nghĩ mỗi chúng ta cũng cần phải nâng cao sự cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh “sập bẫy” trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hiện nay.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết