Theo chuyên gia, việc vận động quá sức khi tập gym, chơi thể thao có thể gây ra những hệ lụy như chấn thương, thậm chí đột tử.
Liệt sau khi tập gym
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận điều trị trường hợp nam bệnh nhân 18 tuổi trong tình trạng liệt vận động hai chân, đại tiểu tiện không tự chủ, tê bì từ hai núm vú xuống sau tập gym.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống ngực cho thấy có khối máu tụ chèn ép tủy ngang. Bệnh nhân đã được hội chẩn và phẫu thuật mở cung sau đốt sống D3-D4 giải ép, cố định cột sống.
Bác sĩ Lã Quang Thịnh, Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), cho biết đây là một trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân gặp chấn thương do tập gym quá sức, sai tư thế. Rất may bệnh nhân đã đến viện sớm và được phẫu thuật kịp thời. Nếu trường hợp này không tới viện sớm, khi tủy sống bị chèn ép, bệnh nhân có nguy cơ bị liệt hai chi dưới, phải ngồi xe lăn suốt đời.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm Y học thể thao Starsmec (nguyên bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam), cho hay với trường hợp nam thanh niên 18 tuổi liệt hai chân sau khi tập gym là do gặp chấn thương trong quá trình tập luyện.
“Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy cột sống ngực có khối máu tụ, chèn ép tủy ngang mức D3D4 rất có thể do chấn thương khi tập tạ. Thêm vào đó, có thể người này cũng đã có những chấn thương từ trước đó, dẫn đến tình trạng nặng hơn”, bác sĩ Thủy phân tích.
Cũng theo phân tích của chuyên gia y học thể thao, tại phòng tập gym có các dụng cụ tập chuyên biệt cho từng người theo từng mục đích tập luyện. Trong đó, tập tạ là một trong những dụng cụ dễ gây chấn thương.
Ngoài ra, các thiết bị khác cũng có thể gây chấn thương trong quá trình tập luyện nếu không tập đúng kỹ thuật. Một số chấn thương thường gặp như chấn thương khớp cổ tay khi tập tạ; chấn thương lưng và đầu gối; chấn thương bắp tay trước; chấn thương khớp khuỷu tay; chấn thương khớp vai; rách cơ; đứt dây chằng.
Để đảm bảo an toàn trong phòng tập gym, chuyên gia lưu ý mọi người cần tập đúng kỹ thuật, động tác. Người tập nên tập luyện có kế hoạch, bài bản, không tập luyện quá sức và cần lưu ý những điều sau:
– Lựa chọn bộ môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe, thể lực của bản thân.
– Cơ thể mệt mỏi, mới ốm dậy hay đang có tiền sử bệnh thì cần lựa chọn những bộ môn thể thao vừa sức. Thậm chí cơ thể chưa hồi phục không nên tập luyện để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Đang có chấn thương thì nên dừng tập luyện.
– Cần bổ sung nước, điện giải trong quá trình tập luyện thể thao.
– Khi chơi thể thao, tùy thuộc vào mỗi bộ môn cần lựa chọn trang phục phù hợp để tránh gây chấn thương.
Đột tử khi chơi thể thao xảy ra khi nào?
BSCKII Nguyễn Thế Huy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, cho hay thể thao được chia làm 2 nhóm: Thể thao phong trào và thể thao chuyên nghiệp. Đối với thể thao chuyên nghiệp bắt buộc các vận động viên phải kiểm tra sức khoẻ, đảm bảo mới được chơi thể thao. Tuy nhiên, thi thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những thông tin vận động viên đột tử trên đường chạy hay cầu thủ đá bóng bị ngừng tuần hoàn…
Với nhóm chơi thể thao không chuyên thì nguy cơ đột tử sẽ cao hơn do không được tầm soát, không kiểm tra sức khoẻ, ‘hứng lên thì chơi’. Đặc biệt với nhóm ít chơi thể thao nhưng cố gắng sức để chơi dẫn tới đột tử.
Bác sĩ Huy cho biết, có một số bộ môn thể thao có liên quan tới chấn thương gây ra ngừng tuần hoàn, ví như, va đập rất mạnh vào vùng tim gây ra rối loạn nhịp tim. Hay những trường hợp rối loạn mạch vành (bất thường) có va đập, gắng sức có thể gây ra đột tử.
Để phòng ngừa đột tử khi chơi thể thao, bác sĩ Huy khuyên khi chơi thể thao cần lựa sức mình, chọn môn phù hợp với sức, không nên gắng sức; Cần phải khởi động kỹ khi chơi thể thao và tập luyện để tránh chấn thương và khởi động cho tim phổi thích nghi.
Ngoài ra, khi tập luyện thể thao cần phải ăn uống phù hợp, nếu mệt, khát thì phải bù nước và điện giải. Nếu không tuân thủ an toàn khi tập luyện sẽ nguy hiểm cho sức khỏe.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết