Để giảm thiểu những rủi ro khi mua đất nền, người mua cần lưu ý một số nội dung khuyến cáo sau đây để có thể nhận diện môi giới BĐS lừa đảo và dự án “ma”.
Doanh nghiệp BĐS “không rõ nguồn gốc”
Nếu chủ đầu tư của dự án không có tên tuổi trên thị trường BĐS và không cung cấp được hồ sơ của doanh nghiệp cũng như các giấy tờ pháp lý của dự án như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng… thì dự án đó sẽ được xếp vào hàng dự án “ma” nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do đó, người mua cần phải tìm hiểu thật kỹ về chủ đầu tư của dự án và nên tìm, lựa chọn những chủ đầu tư lớn, uy tín, minh bạch để đầu tư. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý của dự án như: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500; Quyết định giao đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ dự án; Giấy phép xây dựng, biên bản nghiệm thu xong phần móng (đối với căn hộ chung cư); Văn bản thông báo đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai (đối với căn hộ chung cư); Thông báo bảo lãnh ngân hàng cho từng căn hộ; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng căn hộ hoặc lô đất,… để người mua có thể kiểm tra được tính pháp lý của dự án.
Dự án BĐS mập mờ
Nếu thấy thông tin về dự án thiếu và mập mờ, không có bất kỳ một văn bản pháp lý nào ghi nhận về thông tin dự án, hoặc có ghi nhận nhưng còn rất mập mờ và chung chung về thông tin chủ đầu tư, đơn vị thi công,… và để tạo được sự tin tưởng cho khách hàng khi đi xem thực địa thì bên bán thường đẩy nhanh tiến độ về việc thi công xây dựng, thì đây có thể là dự án “ma”.
Đội ngũ môi giới hùng hậu, luôn “thả thính”
Các dự án có đội ngũ nhân viên môi giới rất hùng hậu, họ luôn đưa ra những lời quảng cáo, hứa hẹn có cánh về lợi nhuận khủng để thúc giục người mua vội vã ký hợp đồng khi chưa tìm hiểu kỹ về thông tin dự án và khi người mua đề nghị cung cấp văn bản pháp lý của dự án thì người bán luôn hứa hẹn theo kiểu ký hợp đồng, đóng tiền xong sẽ cung cấp đầy đủ cho khách hàng, còn giờ không thể cung cấp vì đang để lưu giữ ở công ty, thông tin đó là bí mật…, để rồi sau đó bên bán trở mặt nói thẳng không cung cấp hoặc lẩn trốn bằng cách lấy lý do chờ cấp trên quyết định, thì đây là môi giới của dự án “ma”.
Không nắm rõ hiện trạng thực tế
Nếu muốn mua một BĐS thì người mua cần xem xét tính minh bạch thông tin của dự án và hiện trạng thực tế của dự án. Đặc biệt cần phải kiểm tra đơn vị bảo lãnh, ngân hàng bảo lãnh các dự án bất động sản đó để khi chủ đầu tư dự án vi phạm về một vấn đề nào đấy, gây ảnh hưởng đến tiến độ hay chất lượng dự án, công trình thì ngân hàng đó sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Ngoài ra, người mua cần phải kiểm tra kỹ các điều khoản trong hợp đồng mua BĐS trước khi ký kết, cụ thể: Kiểm tra về chủ thể ký hợp đồng; điều khoản về bàn giao nhà; về cam kết chất lượng, điều khoản về trách nhiệm bồi thường của chủ đầu tư khi vi phạm,…
Dự án BĐS chưa đủ điều kiện kinh doanh
Người dân không tham gia giao dịch đối với các BĐS chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ngay khi phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thì người dân cần trình báo, phản ánh ngay với các Cơ quan chức năng cấp có thẩm quyền tại địa phương để kịp thời nắm bắt, điều tra, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lifehub tổng hợp