Theo các chuyên gia kinh tế, việc Nga bị hạn chế tiếp cận hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) không chỉ làm ảnh hưởng đến thanh toán của quốc gia này mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào thì cần có thời gian để đánh giá cụ thể.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công thương), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản).
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Liên Bang Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga); Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, bởi Nga và Việt Nam vốn có quan hệ kinh tế từ nhiều năm nay. Việc Nga bị loại khỏi SWIFT có nghĩa là Nga bị cắt đứt hoàn toàn quan hệ với hệ thống thanh toán bên ngoài nước Nga khiến cho việc thanh toán, mua bán hàng hóa giữa Việt Nam với Nga bao gồm cả tư nhân lẫn nhà nước có thể gặp khó khăn.
Nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng hoạt động này có thể áp dụng bằng nhiều cách khác mà không nhất thiết phải thông qua SWIFT.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam hiện chủ yếu được xử lý bằng Dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và Dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, việc xử lý qua hệ thống SWIFT hiện là chủ yếu và chủ lực, bởi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác.
Cùng với đó, trong hoạt động thanh toán quốc tế của các ngân hàng thương mại, các phương tiện truyền tin được sử dụng còn bao gồm thư tín và telex. Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cho biết, trước đây, có phương thức thanh toán telex- xác thực thông qua hệ thống bảo mật hai chiều giữa hai ngân hàng. Tuy nhiên, sau này hầu hết các ngân hàng chuyển sang SWIFT bởi sự tiện lợi và bỏ hết các phương thức thanh toán cũ.
Do đó ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, nếu Nga bị loại ra khỏi SWIFT thì sẽ rất khó khăn, nhưng sẽ có các giải pháp. Với mức độ phát triển công nghệ như nước Nga, các ngân hàng sẽ có sự chủ động tìm ra giải pháp. Cùng với đó, các tổ chức tài chính khác khi giao dịch với Nga cũng chủ động để giao dịch được quay trở lại.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, phương thức thanh toán telex dễ bị gian lận, nên Mỹ bắt buộc chuyển tất cả thanh toán chính thức trên toàn thế giới sang SWIFT. Vì vậy, một khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán này, xuất nhập khẩu chính ngạch giữa Việt Nam – Nga sẽ bị ảnh hưởng.
Song cũng có ý kiến cho rằng, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT hiện chỉ xảy ra trên từng quốc gia, không mang tính toàn cầu nên chưa ảnh hưởng đến hoạt động chuyển tiền của Việt kiều Nga về Việt Nam và ngược lại của các ngân hàng Việt Nam.
Thống kê cho thấy, đã có hơn 40 triệu tin nhắn với lệnh chuyển hàng tỷ USD được gửi đi mỗi ngày thông qua SWIFT. Hiện nay có 291 thành viên ngân hàng của Nga nằm trong hệ thống SWIFT, đại diện cho 1,5% luồng giao dịch. Con số này tương đương với khoản thanh toán trị giá khoảng 800 tỷ USD mỗi năm.
Tại Việt Nam có Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt – Nga, giúp các khách hàng và doanh nghiệp thực hiện các kênh thanh toán quốc tế giữa 2 nước trong nhiều năm qua.
Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một động thái lịch sử chống lại ngân hàng trung ương Nga hôm thứ Hai. Đây lần đầu tiên việc trừng phạt được thực hiện với một ngân hàng trung ương G-20.
Về bản chất, Bộ Tài chính đã cấm người Mỹ làm ăn với ngân hàng đó, cũng như đóng băng tài sản ở Mỹ.
Trước đó, Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada cũng đã đồng ý loại bỏ các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT. Nghĩa là, các ngân hàng Nga sẽ không thể giao tiếp an toàn với các ngân hàng thuộc các nhóm trên.
Lifehub tổng hợp