Chiều tối 3/3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã trả lời các câu hỏi về công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, số ca mắc mới tăng cao hiện nay do nhiều nguyên nhân. Tốc độ lây lan của chủng Omicron gấp 5 lần chủng cũ và gấp 2 lần chủng Delta. Việc chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, mở lại một số hoạt động, đặc biệt độ bao phủ tiêm vắc xin cao cũng khiến một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan…
Tại đợt dịch lần thứ tư bùng phát đỉnh điểm tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, chủng virus Delta “xâm chiếm” và có tốc độ lây lan gấp 3 lần so với chủng ban đầu.
Về dự báo kịch bản dịch bệnh trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong báo cáo ngày 14-2 đã nhận định thời điểm này còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh cúm mùa. Ngoài ra, chủng Omicron đang lây lan rất nhanh chưa từng thấy, năm 2022, dự báo tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể kết thúc.
“Việc chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, mở lại một số hoạt động, đặc biệt độ bao phủ tiêm vắc xin cao khiến một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan”, ông Tuyên nói.
Dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, “chúng ta không nên quá lo lắng vì Việt Nam đứng top 10 thế giới, top 5 châu Á và top 2 Đông Nam Á về tỷ lệ tiêm và độ phủ vắc xin. Về thuốc điều trị, ngày 17-2, Cục Quản lý dược cũng đã cấp giấy phép cho 3 loại thuốc Monulpiravir đưa vào điều trị. Bộ Y tế cũng đã làm việc với Pfizer để đưa một số loại thuốc đã được thế giới cấp phép vào điều trị”.
“Khi F0 tăng cao thì các địa phương căn cứ vào đó để đánh giá cấp độ dịch; nâng cao ý thức cho người dân; tham gia tích cực về công tác tiêm chủng; có hướng dẫn, tuân thủ việc dùng thuốc trong điều trị”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Về việc công bố số F0 hàng ngày, theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc công bố bao nhiêu ca, thời điểm nào đều báo cáo và phải được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho phép. Hiện nay, việc thống kê số F0 vẫn phải làm bình thường vì phục vụ cho công tác dự báo, dự đoán và các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, ông Tuyên cũng cho biết, việc có công bố công khai số liệu F0 hàng ngày nữa hay không Bộ Y tế sẽ tổng hợp để báo cáo lại Ban Chỉ đạo quốc gia.
Trả lời về vấn đề giá kit xét nghiệm COVID-19 tăng trong thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, khi xuất hiện chủng Omicron khiến lượng F0 tăng cao dẫn đến nhu cầu người dân cũng tăng theo, trong khi đó cung chưa đáp ứng đủ cầu nên dẫn đến giá tăng mạnh.
Khi nhận thấy tình hình trên, Bộ Y tế đã họp với các bộ, ngành có liên quan về vấn đề này, đồng thời họp với khoảng 100 đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm này nhằm đáp ứng đủ nguồn cung. Bên cạnh đó, Bộ cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra việc “găm hàng, tăng giá”, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh công khai giá bán buôn, bán lẻ…
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng khuyến cáo người dân: “Người dân chỉ nên mua kit test nhanh COVID-19 khi cần, dùng đến đâu mua đến đó, không vì quá lo lắng mà mua dữ trữ. Bộ Y tế đã có hướng dẫn xét nghiệm mẫu gộp, trong 1 gia đình có thể dùng chung test nhanh 2-3 người có thể chung/cái, 2-3 ngày xét nghiệm một lần”.
Liên quan đến việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-7 tuổi, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin, Bộ đã báo cáo Chính phủ, xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chính phủ đã có Nghị quyết cho mua vắc xin với số lượng 21,9 triệu liều theo cơ chế đặc biệt để tiêm cho 11,8 triệu trẻ em (đạt tỷ lệ 98%).
Về câu hỏi cá nhân ông nghĩ gì về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 – 7 tuổi, ông Tuyên cho hay: “Bộ Y tế đã lấy ý kiến cộng đồng, đặc biệt phụ huynh học sinh từ 5 – 11 tuổi, tỷ lệ đồng tình cao khoảng 78%, tỷ lệ đồng tình khoảng 18%, tổng tỷ lệ đồng tình khoảng 95 – 96%. Bộ Y tế đã phối hợp Bộ GD-ĐT khảo sát, thấy cơ bản ng dân rất quan tâm và đồng tình. Chúng tôi cũng đã họp với Pfizer xây dựng dự toán và thống nhất nhà thầu, mục tiêu trong tháng 3 sẽ đưa 7 triệu liều vắc xin về, tháng 4 đưa nốt 14 triệu liệu còn lại”, ông Tuyên nói.
Lifehub tổng hợp