Liên minh Châu Âu xác nhận quyết định tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraina lên 1,1 tỉ USD.
Ngày 23.3, 27 quốc gia thành viên EU đã thông qua khoản bổ sung 550 triệu USD (500 triệu euro), bên cạnh gói hỗ trợ hồi tháng 2 cũng trị giá 550 triệu USD.
Gói 550 triệu USD mới nhất đã được các nhà lãnh đạo EU cam kết trước đó tại hội nghị thượng đỉnh ở Versailles hôm 11.3.
Thông báo được đưa ra trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về cuộc xung đột.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina chống lại Nga. Khoản tiền 500 triệu euro bổ sung là một dấu hiệu khác cho thấy EU hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraina để bảo vệ lãnh thổ và người của họ” – tờ DW dẫn lời ông Josep Borrell, Cao uỷ EU về chính sách an ninh-đối ngoại, cho biết trong một tuyên bố.
Gói hỗ trợ này sẽ được sử dụng để mua thiết bị và vật tư như thiết bị bảo vệ cá nhân, bộ dụng cụ sơ cứu và nhiên liệu, cũng như vũ khí sát thương. Thời gian hỗ trợ đã được kéo dài thêm 12 tháng.
Cũng trong ngày 23.3, Đức và Thụy Điển thông báo sẽ gửi thêm hàng nghìn vũ khí chống tăng tới Ukraina. Cả hai nước này đã hỗ trợ Ukraina hàng nghìn vũ khí, sau khi Đức đảo ngược các cam kết lâu dài trước đó không cung cấp vũ khí cho một quốc gia đang xung đột.
RT dẫn lời Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết Stockholm sẽ gửi 5.000 vũ khí chống tăng tới Ukraina, bổ sung vào 5.000 vũ khí đã được cung cấp. Bà Linde gọi quyết định này là “lịch sử”.
Trong khi đó, hãng thông tấn DPA đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã yêu cầu các lực lượng vũ trang Đức cung cấp 2.000 súng phóng lựu chống tăng hạng nhẹ từ các kho dự trữ của nước này cho Ukraina.
Trong nhiều năm qua, quân đội Đức được cho là thiếu đạn dược, trang thiết bị và thậm chí cả ủng. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các nhà lập pháp hôm 23.3 rằng mặc dù quân đội Đức thiếu nguồn cung cấp, song chính phủ sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất vũ khí “giao nhiều hàng hơn”.
Cả Đức và Thụy Điển đều cam kết tăng chi tiêu quốc phòng sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraina. Thụy Điển, quốc gia đã tăng đều đặn ngân sách quân sự kể từ năm 2014, gần đây tuyên bố sẽ tăng chi tiêu lên 2% GDP “càng sớm càng tốt”, tăng khoảng 1/3 so với mức hiện tại.
Tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP và đầu tư 113 tỉ USD vào vũ khí, bao gồm máy bay không người lái của Israel và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
NATO đặt nhiệm vụ cho các thành viên của khối là chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng, một mục tiêu mà nhiều nước không đạt được. Việc này đã liên tục bị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích, cáo buộc các quốc gia Châu Âu, đặc biệt là Đức, lợi dụng sự bảo vệ của quân đội Mỹ.
Không giống như Đức, Thụy Điển không phải là thành viên của NATO và chính phủ ở Stockholm đã nói có ý định đứng ngoài NATO.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào và bằng cách nào vũ khí của Đức và Thụy Điển sẽ được chuyển giao cho Ukraina. Nga tuyên bố coi các đoàn xe cung cấp quân sự vào Ukraina là “mục tiêu hợp pháp” và chính phủ Đức tuần trước nói rằng chi tiết về các chuyến hàng như vậy sẽ không còn được công khai, có lẽ là để tránh tình báo Nga theo dõi lộ trình của họ.
Trong một diễn biến khác, một quan chức cấp cao Mỹ cho Reuters biết, lô vũ khí đầu tiên từ gói hỗ trợ vũ khí mới cho Ukraina trị giá 800 triệu USD sẽ rời Mỹ trong vài ngày tới. Gói này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt vào tuần trước.
Quan chức không tiết lộ hệ thống nào sẽ được vận chuyển trước, nhưng nói rằng các vũ khí phòng thủ đã được quân đội Ukraina sử dụng sẽ được ưu tiên.
Lifehub tổng hợp