Đi cùng với nhiều tiện ích không thể phủ nhận, sự bùng nổ công nghệ cũng cướp đi quyền riêng tư của người dùng.
Tình trạng “nghe lén” xảy ra rất nhiều trong thời đại hiện nay. Người dùng internet không khó để bắt gặp hàng loạt quảng cáo trên Facebook, YouTube… về loại sản phẩm mà họ đề cập không lâu trước đó trong cuộc trò chuyện với người khác.
Đó là “thành tích” của phần mềm gián điệp. Bật nhạc lớn hoặc dùng âm thanh tiếng nước chảy làm nền là một trong những cách chống nghe lén phổ biến nhưng cách làm này thường gây mất tập trung.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Columbia (Mỹ) đã tạo ra công nghệ đột phá mang tên “Ngụy trang bằng giọng nói thần kinh”, có thể phát ra tiếng ồn trong bất kỳ bối cảnh nào, giúp ngăn các thiết bị thông minh theo dõi người dùng. Công cụ này tạo ra tín hiệu âm thanh tùy chỉnh làm nền cho cuộc trò chuyện, có thể làm các thiết bị trí tuệ nhân tạo (AI) nghe lén bị bối rối.
Công nghệ “Ngụy trang bằng giọng nói thần kinh” sử dụng học máy (một lĩnh vực nhỏ của khoa học máy tính, có khả năng tự học hỏi dựa trên dữ liệu đưa vào mà không cần phải được lập trình cụ thể), trong đó các thuật toán tìm ra những mô hình dữ liệu để điều chỉnh âm thanh theo cách khiến AI nhầm lẫn giọng nói người dùng với thứ khác.
Nói một cách đơn giản là sử dụng một AI để đánh lừa một AI khác. Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng. AI học máy cần xử lý toàn bộ đoạn âm thanh trước khi gây nhiễu, điều này sẽ không hiệu quả nếu người dùng muốn sử dụng công cụ để tránh bị nghe lén trong thời gian thực.
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã thiết lập một mạng lưới thần kinh – hệ thống học máy lấy cảm hứng từ não bộ – để dự đoán tương lai một cách hiệu quả. Họ đã đào tạo nó qua nhiều giờ ghi âm giọng nói để nó có thể liên tục xử lý các đoạn âm thanh dài 2 giây và che giấu những từ có thể sẽ được nói tiếp theo sau đó.
Theo Tạp chí Khoa học (Mỹ), hệ thống cũng giúp làm tăng tỉ lệ lỗi từ của phần mềm nhận dạng giọng nói tự động (ASR) từ 11,3% lên 80,2%. Công trình nghiên cứu này đã được trình bày hồi tháng trước tại Hội nghị về học máy và trí tuệ nhân tạo ICLR 2022 dưới hình thức trực tuyến.
Ông Carl Vondrick, chuyên gia về khoa học máy tính tại Trường ĐH Columbia, cho biết vấn đề quan trọng là tất cả chức năng phải hoạt động đủ nhanh. Ông Vondrick nói: “Thuật toán của chúng tôi có khả năng chặn một micro nghe lén thu thập chính xác lời nói của người dùng trong khoảng 80% thời gian. Qua quá trình thử nghiệm, đó là công cụ nhanh nhất và chính xác nhất”.
Chuyên gia này lý giải công cụ chống gián điệp nói trên hoạt động ngay cả khi người dùng không nhận biết bất cứ điều gì về thiết bị nghe lén, chẳng hạn vị trí của chúng hoặc thậm chí là phần mềm máy tính có tính năng nghe lén.
Về cơ bản, công cụ mới giúp ngụy trang giọng nói của một người qua không khí, bảo vệ cuộc trò chuyện khỏi các hệ thống nghe lén và không gây bất tiện cho các cuộc đối thoại giữa những người trong phòng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết