Một người chỉ bắt đầu có động lực để học tập cho kỳ thi khi người đó hình dung ra những hậu quả nếu họ thi rớt. Một người quyết định học một loại nhạc cụ nào đó khi họ cảm thấy được truyền cảm hứng vì có thể chơi nhạc cho bạn bè và người thân của họ nghe.
Và tất cả chúng ta đã từng buông lơi mọi thứ vì thiếu động lực ít nhất một lần trong đời. Đặc biệt là trong thời điểm mà chúng ta không nên. Chúng ta cảm thấy thờ ơ và lãnh đạm khi hướng tới một mục tiêu nhất định đã đặt ra cho chính mình bởi vì chúng ta thiếu động lực và chúng ta thiếu động lực bởi vì chúng ta không cảm thấy bất kỳ khao khát về cảm xúc nào để thực hiện điều đó.
Nhưng có một vấn đề với khuôn mẫu này: Phần lớn những thay đổi và hành động mà chúng ta cần trong cuộc sống đều được truyền cảm hứng bởi những cảm xúc tiêu cực và chính những cảm xúc đó lại cản trở chúng ta thực hiện những hành động đó.
Nếu một người đang cố hàn gắn mối quan hệ của họ với người khác, những cảm xúc nội tại (những tổn thương, oán giận, sự trốn tránh) hoàn toàn đi ngược lại những hành động cần thiết để hàn gắn (đối mặt, trung thực và giao tiếp).
Cảm giác xấu hổ về cơ thể tạo nên động lực mong muốn giảm cân của một người, nhưng cũng chính cảm xúc xấu hổ đó lại cản trở họ đi đến phòng tập gym vì lo sợ bị người khác chê cười.
Những tổn thương trong quá khứ, kỳ vọng tiêu cực và cảm giác tội lỗi, xấu hổ và sợ hãi thường khiến chúng ta trốn tránh những hành động cần thiết để vượt qua những tổn thương, kỳ vọng và cảm xúc tiêu cực đó.
Động lực hoạt động như thế nào?
Chuỗi động lực không chỉ gồm 3 phần, mà nó là một vòng lặp vô hạn:
Cảm hứng → Động lực → Hành động → Cảm hứng → Động lực → Hành động → …
Hành động của bạn sẽ tạo ra các phản ứng về cảm xúc và cảm hứng tiếp theo và lặp đi lặp lại thúc đẩy những hành động trong tương lai. Lợi dụng kiến thức này, chúng ta có thể định hướng lại tư duy của chúng ta theo cách sau:
Hành động → Cảm hứng → Động lực
Kết luận là nếu bạn không có động lực để thực hiện một sự thay đổi quan trọng trong cuộc sống của bạn, thì hãy làm một cái gì đó, bất cứ điều gì, và sau đó khai thác các phản ứng với hành động đó như một cách để bắt đầu thúc đẩy bản thân.
Tôi gọi điều này là Nguyên tắc “Hãy làm gì đó đi”. Và tôi đã phát triển nó trong những năm làm việc như một nhà tư vấn giúp đỡ mọi người thoát ra khỏi nỗi sợ hãi và sự thờ ơ để hành động.
Nó bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dụng đơn giản: Bạn trả tiền cho tôi để bạn được ở đây và làm điều gì đó. Tôi không quan tâm, hãy làm điều gì đó đi!
Những gì tôi tìm thấy là thường khi họ làm một cái gì đó, thậm chí là những hành động nhỏ nhặt nhất, nó sẽ sớm cung cấp cho họ nguồn cảm hứng và động lực để làm một điều gì đó khác. Họ đã gửi một tín hiệu cho chính mình, “OK, tôi đã làm điều đó, tôi đoán tôi có thể làm nhiều hơn.” Và cứ chậm rãi như vậy, chúng tôi bắt đầu làm cho mọi thứ tiến triển tốt hơn.
Làm thế nào để có động lực làm điều gì đó?
Qua nhiều năm, tôi đã áp dụng Nguyên tắc “Làm Cái Gì Đó” trong cuộc sống của chính mình.
Ví dụ rõ nhất chính là trang web cá nhân và các hoạt động kinh doanh trực tuyến của tôi. Tôi làm việc cho bản thân mình. Tôi không có một ông chủ nói với tôi phải làm gì và không được làm gì. Tôi cũng thường gặp rủi ro về đầu tư cá nhân, cả về tài chính lẫn tình cảm. Đôi khi có những lúc căng thẳng thần kinh, và những cảm giác về sự nghi ngờ cũng như sự không chắc chắn nảy sinh. Và khi không có ai xung quanh thúc đẩy bạn, ngồi một chỗ và xem lại chương trình truyền hình mỗi ngày có thể nhanh chóng trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn.
Hai năm đầu tiên tôi làm việc cho bản thân mình, cả tuần trôi đi mà tôi không làm được gì nhiều bởi vì tôi cứ luôn lo lắng và căng thẳng về những gì tôi phải làm. Và quá dễ để bỏ cuộc. Tôi đã nhanh chóng học được rằng mình phải ép buộc bản thân làm một việc gì đó. Nếu tôi cần phải thiết kế trang web, tôi sẽ buộc mình ngồi xuống và nói “Được rồi, tôi sẽ thiết kế phần tiêu đề ngay bây giờ!” Nhưng ngay sau khi phần tiêu đề đã được hoàn tất, tôi thấy mình đang tiếp tục thực hiện những phần tiếp theo của trang web. Và trước khi tôi nhận ra được điều đó, tôi đã tràn đầy năng lượng và chú tâm vào dự án.
Tôi cũng thường xuyên áp dụng nó trong cuộc sống của mình. Nếu tôi sắp sửa giải quyết một dự án lớn mà tôi đang lo lắng, hoặc nếu tôi cảm thấy bản thân mình nên đi ra ngoài để gặp gỡ nhiều người hơn, tôi sẽ áp dụng nguyên tắc “Hãy làm gì đó đi”. Thay vì mong đợi một kết quả lớn, tôi sẽ chỉ quyết định “OK, bắt đầu một bản phác thảo thôi!” hoặc “OK, tôi sẽ đi ra ngoài làm một chai bia và xem những gì đang diễn ra!”
Giáo viên dạy Toán thời trung học của tôi đã từng nói: “Nếu các em không biết làm cách nào để giải một bài toán, cứ viết một cái gì đó, bộ não sẽ tự động tìm ra cách để thực hiện những bước tiếp theo”. Và cho đến ngày nay, lời khuyên đó vẫn đúng. Bản thân hành động tự nó sẽ truyền cảm hứng cho những suy nghĩ và ý tưởng mới dẫn dắt chúng ta đến những phương pháp giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Những cái nhìn sâu sắc sẽ không đến nếu chúng ta chỉ đơn giản ngồi im và suy nghĩ về nó.
Gần đây tôi đã nghe một câu chuyện về một tiểu thuyết gia đã viết được hơn 70 cuốn tiểu thuyết. Có người hỏi ông ấy làm cách nào mà ngài có thể viết nhất quán và duy trì được cảm hứng mỗi ngày như vậy. Ông ấy đã trả lời: “Mỗi ngày cố gắng viết 200 từ, chỉ có vậy!”. Ý tưởng ở đây là nếu chúng ta buộc mình phải viết 200 từ mỗi ngày, chính 200 từ đó sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta tiếp tục viết, và đến khi nhận ra thì ta đã có hàng ngàn từ trên bản thảo.
Bạn có thể đã nhận ra khái niệm này ở đâu đó. Nhưng không quan trọng nó đến với bạn bằng hình thức nào, đó là một lối suy nghĩ vô cùng hữu ích và là một thói quen tốt cần được áp dụng.
Càng trải nghiệm nhiều tôi càng thấm thía rằng thành công trong bất cứ lĩnh vực nào chỉ phụ thuộc ít đến hiểu biết hay tài năng mà gắn kết chặt chẽ với hành động được bổ trợ bởi kiến thức và tài năng.
Bạn có thể thành công trong một lĩnh vực nào đó dù có thể hiện tại bạn không biết bạn đang làm gì. Bạn cũng có thể thành công dù không có tài năng đặc biệt nào trong lĩnh vực đó. Nhưng bạn sẽ không bao giờ thành công ở bất cứ lĩnh vực nào nếu không hành động. Không bao giờ.
- Đơn vị chủ quản: Công ty TNHH SCORP VIỆT NAM - Địa chỉ: 161 Trường Chinh, TP. Vinh, Nghệ An
- Giấy phép ICP số: 56/GP-TTĐT do sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Nghệ An cấp ngày 24/05/2022
- Chịu trách nhiệm nội dung: Phan Đình Tuấn - Liên hệ và quảng cáo: 0333557591 - Email: [email protected]
- Đơn vị chủ quản: Công ty TNHH SCORP VIỆT NAM - Địa chỉ: 161 Trường Chinh, TP. Vinh, Nghệ An
- Giấy phép ICP số: 56/GP-TTĐT do sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Nghệ An cấp ngày 24/05/2022
- Chịu trách nhiệm nội dung: Phan Đình Tuấn - Liên hệ và quảng cáo: 0333557591 - Email: [email protected]