Sau mắc Covid-19, một số trẻ bị rối loạn giấc ngủ, hay giật mình khóc giữa đêm… khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng.
Bé N.T.H – 12 tuổi, Phú Thọ được bố mẹ đưa tới khám vì rối loạn giấc ngủ. Theo người nhà của bé N. khoảng 10 ngày nay từ khi bị Covid-19 trẻ hay tỉnh dậy giữa đêm, gặp các cơn ác mộng, la hét khi ngủ.
Sau khi hỏi bệnh và thăm khám làm thêm các cận lâm sàng. Bác sĩ thấy nổi bật lên ở trẻ là tình trạng rối loạn lo âu. Trên nền một tích cách nhút nhát, dễ lo lắng khi mắc Covid-19 đứa trẻ giống như giọt nước tràn ly làm các vấn đề của con bùng nổ. Bác sĩ đã tư vấn điều trị cho bé H. để tránh tác động tới cuộc sống và học tập của bé.
Trường hợp của bé V.Đ.L. 5 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cũng tương tự. Bố mẹ của bé cho con đi điều tra vì sau khi mắc Covid-19, bé L. thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ. Trong khi trước đây bé hoàn toàn không có biểu hiện này, bé sẽ ngủ 1 mạch tới sáng.
Trong thời điểm Covid-19, bé L. bị sốt cao 2 ngày và kèm theo tiêu chảy. Mẹ của L. chia sẻ từ khi mắc Covid-19 thấy con hay giật mình khi ngủ, bé chới với quơ quơ tay, thậm chí bé giật mình ngồi dậy khóc thét. Mẹ của bé lo lắng con có nguy cơ tác động tới thần kinh.
Không chỉ ban đêm, buổi trưa bé L. ở nhà ngủ với ông bà cũng vậy. Khi quan sát bé ngủ, ông bà theo dõi có tình trạng ngủ không sâu giấc, hay giật mình và bật dậy khóc lớn bất ngờ, ngủ trưa chỉ 30 phút – 1 tiếng và dễ thức giấc.
Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trẻ nhỏ mất ngủ, rối loạn giấc ngủ sau Covid-19 không xảy ra nhiều nhưng cũng làm bố mẹ của trẻ lo lắng.
Việc mất ngủ, rối loạn giấc ngủ ở trẻ hay mất tập trung người ta thấy rằng có khả năng virus SARS-CoV-2 tác động vào thần kinh trung ương, hệ phó giao cảm, làm cho trẻ rối loạn giấc ngủ.
PGS Dũng cho rằng nếu cha mẹ quá lo lắng về tình trạng của con, cha mẹ có thể đưa con tới gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá xem liệu các phản ứng của cơ thể trẻ có phù hợp với trẻ không và tìm lý do là do tác động của Covid-19 hay các lý do khác gây ra.
Nếu trẻ mất ngủ mức độ nhẹ, các bác sĩ hướng dẫn cha mẹ để trẻ ngủ sâu vào ban đêm, ban ngày hạn chế ngủ, sinh hoạt bình thường. Nếu trẻ bị mất ngủ nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc liều nhẹ để trẻ ngủ sâu cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ hồi phục sau Covid-19 tốt hơn, tránh tác động tới học tập và sức khoẻ.
Bác sĩ Phạm Văn Hà – Khoa Nhi BVĐK Hùng Vương chia sẻ bên cạnh sự hồi phục về mặt thể chất, hồi phục về mặt tinh thần cũng là điều đáng để quan tâm sau nhiễm Covid-19. Trẻ em là đối tượng dễ có ảnh hưởng về mặt tâm lý, đặc biệt ở những trẻ đã có sẵn những rối loạn tâm thần từ trước, Covid-19 giống như giọt nước làm tràn ly. Trẻ luôn cảm thấy bất an, căng thẳng, khó ngủ, nặng hơn rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm.
Có nhiều lý do làm tình trạng này xảy ra như: trải qua hoặc chứng kiến người thân mắc Covid-19 diễn biến nặng, hoặc có người thân mất vì Covid -19, cách ly khỏi bố mẹ, người thân, bạn bè, trường lớp, nghe nhiều tin tức tiêu cực về Covid-19, tổn thương thần kinh do virus…
BS Hà chia sẻ việc tư vấn tâm lý, động viên tinh thần, cũng cấp những tin tức đúng đắn cho trẻ là những việc làm cần thiết để giúp trẻ vượt qua thời kỳ khủng hoảng này. Kết nối trẻ với gia đình, bạn bè, trường lớp. Lắng nghe những lo nghĩ của con, giúp con kể ra được những nỗi sợ hãi của bản thân cũng là liều thuốc tinh thần hiệu quả nhất đối với trẻ.
Lifehub tổng hợp