PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, đã có những nhận định mới nhất về tuyên bố gây tranh cãi của một chuyên gia Hàn Quốc.
Mới đây, một bác sĩ Hàn Quốc đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi khi khẳng định rằng “người chưa mắc Covid-19 là những người có vấn đề giao tiếp xã hội” .
Cụ thể, bác sĩ Ma Sang-hyuk, phó chủ tịch Hiệp hội vắc xin Hàn Quốc, viết trên tài khoản Facebook cá nhân hôm 16/3: “Những người trưởng thành chưa mắc Covid-19 là những người có vấn đề giao tiếp xã hội”. Bài đăng ngay sau đó đã bị xoá, nhưng nhiều người đã chụp lại và chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cho hay: “Chắc đó chỉ là câu nói đùa mà thôi. Vì thực tế ở Việt Nam có rất nhiều người già có bệnh lý ở nhà không giao tiếp với ai nhưng vẫn mắc Covid-19 do lây nhiễm trong gia đình. Trong khi đó có những người trẻ đi làm bên ngoài thì lại không hề mắc bệnh”.
Theo chuyên gia, người chưa nhiễm Covid-19 có thể được chia làm 3 trường hợp:
– Thứ nhất, bảo đảm 5K tuân thủ phòng chống dịch;
– Thứ hai, đã mắc nhưng không có triệu chứng nên nghĩ mình “bất tử”;
– Thứ ba, miễn dịch của người đó tốt cho nên phòng ngừa được Covid-19 và các bệnh lây truyền khác.
Trong những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trên cả nước tiếp tục giảm mạnh. Theo chuyên gia dịch tễ, đây là một tín hiệu tốt cho thấy dịch bệnh đã “hạ nhiệt”.
PGS Huy Nga cho hay với biến thể Omicron thì đợt dịch lần này tại Việt Nam cũng sẽ nhanh chóng lắng xuống vào khoảng tháng 5, tháng 6.
Chuyển đổi từ đại dịch Covid-19 thành bệnh lưu hành
Tại Việt Nam, số ca bệnh biến thể Omicron tăng nhanh nhưng rất may mắn đa phần các ca bệnh đều nhẹ, tỷ lệ tử vong thấp. Xu hướng phát triển của virus sẽ thích nghi với con người để thành một bệnh lưu hành theo mùa.
Hiện nay, WHO vẫn cho rằng Covid-19 là bệnh dịch nhóm A. Việt Nam cũng đang chuyển đổi dần để chuyển Covid-19 trở thành bệnh lưu hành theo mùa.
Chuyên gia dịch tễ lưu ý mọi người vẫn cần phải duy trì 5K một cách linh hoạt để phòng ngừa bệnh cho bản thân và gia đình, đặc biệt là người có bệnh lý nền, già yếu, miễn dịch suy yếu, chưa tiêm đủ vắc xin.
Người trưởng thành đã tiêm đủ vaccine vẫn nên đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Việc rửa xà phòng vẫn cần phải duy trì cho đến suốt đời, vì việc rửa tay phòng ngừa được rất nhiều bệnh tật truyền nhiễm.
Bộ Y tế cho biết đang xây dựng Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 thời điểm 2022-2023, trong đó có nội dung quan trọng nghiên cứu, đánh giá, căn cứ tình hình dịch để chuyển phương án phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Bộ Y tế cho biết tới đây, Việt Nam có thể giảm cấp độ dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nhưng những điều chỉnh này cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học và thực tiễn, không thể nhìn qua sơ lược tình hình dịch mà đưa ra quyết định ngay được.
Hiện ngành y tế vẫn đang theo dõi, chuẩn bị những dữ liệu cần thiết. Trong lúc chờ đợi những điều chỉnh về chính sách, hệ thống y tế vẫn căng mình tiêm chủng, bảo đảm công tác điều trị, bảo vệ nhóm người yếu thế.
Lifehub tổng hợp